Lao sơ nhiễm ở trẻ em rất dễ bị chẩn đoán nhầm là hen nhũ nhi vì triệu chứng của của lao sơ nhiễm và hen suyễn nhũ nhi tương tự nhau: ho, khò khè, thở rít kéo dài tái đi tái lại.

Lao sơ nhiễm ở trẻ em có thể bị chẩn đoán nhầm là hen

Lao sơ nhiễm ở trẻ em có thể bị chẩn đoán nhầm là hen

ThS.BS. Nguyễn Hồng Đức

Nguyên trưởng khoa phòng khám bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt

Theo các thống kê về bệnh hen công bố, tỷ lệ bệnh hen ở trẻ em còn cao hơn cả người lớn, chiếm khoảng 7 - 8%. Việc chẩn đoán hen ở trẻ em gặp rất nhiều khó khăn vì không thể tiến hành xét nghiệm hô hấp ký được nên có thể bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự. Lao sơ nhiễm ở trẻ em là một bệnh lý nguy hiểm có thể bị chẩn đoán nhầm là hen.

Trường hợp điển hình mắc lao sơ nhiễm

Em Q. 8 tháng tuổi, ho khò khè nhiều đợt lập đi lập lại, đặc biệt hay ho về ban đêm, người nhà khai cháu có tiếng thở rít. Cháu được khám bệnh viện Nhi và được chẩn đoán là là hen nhũ nhi. Bé được điều trị ban đầu với thuốc kháng sinh + kháng viêm đường uống trong thời gian 1 tuần sau đó đổi sang dùng loại corticoid xịt. Tuy nhiên triệu chứng ho của cháu không đỡ. Sau 1 tháng điều trị không đỡ cháu đến khám theo chương trình hội chẩn bệnh hô hấp khó trị tại PHỔI VIỆT, tại đây cháu được cho chụp phim X quang phổi và phát hiện hạch rốn phổi hai bên kết hơp thâm nhiễm phổi vùng đỉnh. Không thể thực hiện được xét nghiệm đàm vì cháu quá bé không khạc đàm được. Cháu được chẩn đoán là lao sơ nhiễm và được điều trị với thuốc kháng lao. Cháu giảm và hết ho sau đó 2 tuần. Như vậy đây là trường hợp lao sơ nhiễm gây phì đại hạch rốn phổi gây chèn ép phế quản hai bên gây ho kéo dài và thở rít – rất giống với triệu chứng của hen.

Vì sao lao sơ nhiễm ở trẻ em dễ bị chẩn đoán nhầm là hen?

Lao sơ nhiễm ở trẻ em rất dễ bị chẩn đoán nhầm là hen nhũ nhi vì nhiều yếu tố:

  1. Tần suất hen nhũ nhi cao vì thế trẻ dễ bị chẩn đoán nhầm là hen suyễn.
  2. Triệu chứng lâm sàng của của lao sơ nhiễm và hen suyễn nhũ nhi tương tự nhau: ho, khò khè, thở rít kéo dài tái đi tái lại.
  3. Xét nghiệm X quang phổi: Bác sỹ và các bậc cha mẹ có tâm lý ngại cho trẻ chụp X quang phổi. Và đôi khi có X quang phổi thì việc đọc được và phát hiện hình ảnh hạch lao rốn phổi gây chèn ép phế quản đôi khi cũng không dễ dàng, một số trường hợp cần sử dụng phim CT scan mới nhìn rõ.
  4. Xét nghiệm đàm: trẻ em thường không biết khạc đàm hơn nữa đặc điểm lao sơ nhiễm ở trẻ em là lao ít khuẩn vì thế cho nên cơ hội phát hiện ra vi khuẩn lao trong đàm rất thấp.

Phụ huynh cần làm gì khi trẻ bị ho dai dẳng?

  1. Luôn đề cao cảnh giác có khả năng trẻ em đã bị lao sơ nhiễm nếu như:

a.       Trẻ có tiếp xúc với nguồn lao trong gia đình hay trong cộng đồng. Tuy nhiên ở các quốc gia có tần suất lao cao như Việt nam thì không tiếp xúc với nguồn lây lao rõ ràng cũng không loại trừ được chẩn đoán lao sơ nhiễm.

b.      Trẻ có triệu chứng ho, thở rít, khò khè kéo dài hơn ba tuần. Đặc biệt là trường hợp trẻ em được chẩn đoán hen suyễn nhưng điều trị hai tuần không giảm. 

  1. Khi nghi ngờ trẻ bị lao sơ nhiễm người nhà cần:

a.       Cho trẻ đi khám bác sỹ chuyên khoa hô hấp để được chụp X quang phổi và quan trọng hơn là phân tích chính xác phim X quang phổi.

b.      Cho người chăm sóc trẻ đi chụp X quang phổi và thử đàm xem có mắc lao không ?  

 

 

 

 

 

Bài viết gần đây

08-10-2021

Điều trị hen suyễn theo cá thể là hướng điều trị vẫn dựa trên các hướng dẫn chuẩn, tuy nhiên được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá thể ( tình trạng bệnh, khả năng dùng thuốc..)

22-07-2021

Các dấu hiệu nhận biết hen suyễn ở trẻ em bao gồm: ho, khò khè, thở nhanh hay nông, tức ngực.  Các triệu chứng này có thể sẽ nặng hơn vào ban đêm gần sáng, lúc trời lạnh

25-03-2021

Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng viêm đường hô hấp bằng cách đo khí Nitric Oxide trong hơi thở ra (FeNO),  giúp chẩn đoán và theo dõi chính xác tình trạng hen suyễn của bệnh nhân