Các dấu hiệu nhận biết hen suyễn ở trẻ em bao gồm: ho, khò khè, thở nhanh hay nông, tức ngực.  Các triệu chứng này có thể sẽ nặng hơn vào ban đêm gần sáng, lúc trời lạnh

Làm sao để nhận biết hen suyễn trẻ em?

LÀM SAO ĐỂ NHẬN BIẾT HEN SUYỄN Ở TRẺ EM

ThS.BS.Nguyễn Hữu Hoàng

Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt

 

Chẩn đoán hen suyễn trẻ em không hoàn toàn dễ dàng và các chẩn đoán có thể thay đổi theo thời gian. Ba mẹ của các bé luôn hỏi bác sỹ là con tôi có phải bị hen suyễn không và bệnh này có hết không bác sỹ. Bài viết này nhằm đưa đến một cái nhìn đơn giản cho mọi người.

I/ Làm sao để chẩn đoán hen suyễn?

5 tiêu chuẩn bác sỹ thường dựa vào để chẩn đoán hen suyễn:

  1. Ho, khò khè tái đi tái lại: số lần ít nhất 2 lần trở lên.
  2. Loại trừ các nguyên nhân khác gây ho, khò khè:
    1. Các bệnh nhiễm trùng: viêm mũi xoang mạn, nhiễm trùng hô hấp tái phát, lao…
    2. Dị vật đường thở, trào ngược dạ dày thực quản.
    3. Dị tật khác: Dò khí quản – thực quản, mềm sụn thanh-khí quản, tim bẩm sinh có tăng áp phổi, bệnh HIV, loạn sản phế quản phổi…
  3. Có yếu tố nguy cơ hen suyễn: Tiền căn bản thân dị ứng da như mề đay, chàm da,… tiền căn gia đình như có ba hoặc mẹ hoặc ông bà hoặc anh chị em ruột thịt bị hen suyễn hoặc có dị ứng.
  4. Mỗi lần lên cơn ho, khò khè, khó thở được bác sỹ cho dùng thuốc phun khí dung, xịt cắt cơn hen suyễn thì giảm triệu chứng sau đó.
  5. Khi khám bệnh bác sỹ có thể nghe thấy tiếng thở rít từ phổi (ran rít, ngáy). Đo chức năng hô hấp thì phát hiện có bị co thắt đường thở và có đáp ứng với thuốc hoặc kiểm tra tình trạng viêm đường thở phát hiện bất thường.

Không có nghĩa cần xuất hiện 5 tiêu chuẩn trên thì mới được chẩn đoán hen suyễn, có càng nhiều tiêu chuẩn thì chẩn đoán hen suyễn sẽ càng chính xác hơn.

Để có thể giúp bác sỹ có chẩn đoán chính xác về hen suyễn thì ba mẹ hoặc người chăm sóc bé lại đóng vai trò rất quan trọng. Ba mẹ hoặc người chăm sóc bé cần mô tả chính xác các triệu chứng bé đang có đợt này và những đợt trước.

  • Ho: ho do hen suyễn thường hay ho vào ban đêm gần sáng, ho lúc thay đổi thời tiết, ho khi gắng sức, ho khi ăn hoặc uống đồ bị dị ứng. Ho thường là ho khan và ho từng tràng kèm theo khó thở và khò khè, có thể có đàm nếu tình trạng viêm nhiễm nhiều.

 


  • Khò khè: đây là triệu chứng đặc trưng nhất của hen suyễn nhưng lại thường hay bị mô tả sai bởi ba mẹ hoặc người chăm sóc. Khò khè ở đây là tiếng thở rít phát ra từ phổi (có thể nghe khi ngồi gần hoặc áp tai vào lưng hoặc ngực của bé), tiếng rít giống với tiếng gió thổi qua khe hẹp. Các âm thanh phát ra từ mũi do nghẹt mũi hoặc tiếng từ họng do viêm nhiễm sưng amidan, VA vùng họng thì không phải là tiếng khò khè.
  • Thở nhanh hay thở nông: các em bé càng nhỏ tuổi thì tần số thở sẽ nhanh hơn người lớn. Để xác định thở nhanh và thở nông cũng như khó thở ba mẹ cần chú ý tình trạng này so với lúc bình thường bé thở thì thế nào? Có nhanh hay không? Chú ý bụng và phần mạn sườn xem có phập phồng theo nhịp thở hay không (co lõm ngực) ? Có phập phồng cánh mũi khi thở không, có đang cố gắng hít thở không? Nếu có một trong những triệu chứng trên thì bé đang có tình trạng thở nhanh hay thở nông.
  • Tức ngực: trẻ lớn mới có thể cho ba mẹ biết có tức ngực hay không. Đây là triệu chứng căng tức lồng ngực làm đau tức do phổi bị căng phồng lên.

Chú ý các triệu chứng này có thể sẽ nặng hơn vào ban đêm gần sáng, lúc trời lạnh, lúc gắng sức, lúc hít phải chất (khí hoặc mùi…) làm bé bị dị ứng và lên cơn.

II/ Nhóm tuổi của bé sẽ quyết định thế nào?

  1. Đối với trẻ nhỏ hơn 2 tuổi thì việc chẩn đoán hen suyễn cần hết sức cẩn thận. Chỉ nghĩ tới hen suyễn khi bé có khò khè từ 3 lần trở lên cùng với các yếu tố ủng hộ hen suyễn. Thường thì độ tuổi dưới 2 tuổi thường bị viêm tiểu phế quản do siêu vi gây ra.
  2. Trẻ từ 2 tuổi trở lên và có các tiêu chuẩn chẩn đoán hen suyễn ở trên thì khả năng bị hen suyễn rất cao. Tùy vào thời điểm và yếu tố kích hoạt các đợt bệnh của bé mà sẽ được chẩn đoán hen suyễn theo kiểu nào. Trẻ từ 2 tuổi tới 6 tuổi đang có rất nhiều tranh cãi và chẩn đoán hen suyễn khác nhau. Trẻ từ 6 tuổi trở lên thì có thể dễ dàng xác định hen suyễn hơn dựa vào triệu chứng rõ ràng hơn, các xét nghiệm có thể hỗ trợ để chẩn đoán chính xác vấn đề hen suyễn của các bé.
  • Đối với trẻ từ 2 đến 6 tuổi nếu có các tiêu chuẩn chẩn đoán hen suyễn ở trên sẽ được xếp vào 3 nhóm hen suyễn:
    • Hen suyễn do vi rút: Khởi phát do vi rút
    • Hen suyễn do gắng sức: Khởi phát sau khi gắng sức
    • Hen suyễn do dị ứng: hen do cơ địa dị ứng.
  • Dĩ nhiên không phải đơn thuần bị 1 nguyên nhân trên mà có thể 2 hoặc 3 nguyên nhân tạo nên hen suyễn của các bé này. Vì thế việc xác định yếu tố chính gây hen suyễn cho các bé sẽ giúp có hướng điều trị cụ thể và hợp lý hơn.
  • Đối với các bé bị hen dưới 6 tuổi sẽ chỉ còn lại một nhóm bé nhất định còn hen suyễn sau 6 tuổi (tỷ lệ dao động 20-30%). Các bé sau 6 tuổi còn triệu chứng hen suyễn và phải sử dụng thuốc liên tục thì thấp hơn (dưới 20%). Tuy nhiên nếu môi trường không thuận lợi (ô nhiễm không khí, thuốc lá, hóa chất…) sẽ làm tăng tỷ lệ này lên đáng kể và đặc biệt sẽ kích hoạt hen suyễn vào tuổi trung niên và về già.

III/ Điều trị cho các bé bị hen suyễn như thế nào?

Tùy vào mức độ, kiểu hen suyễn của các bé mà bác sỹ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể:

  • Đối với hen suyễn khởi phát do vi rút thì có thể điều trị những đợt ngắn hạn bằng các thuốc giảm viêm, giãn phế quản (phun khí dung hoặc xịt), thuốc uống giãn phế quản, thuốc khác như montelukast… Cần chích ngừa cúm hàng năm, tăng cường thể chất giảm nguy cơ bị nhiễm cảm lạnh và cúm.
  • Đối với hen suyễn do gắng sức có thể sử dụng thuốc uống montelukast, thuốc xịt giãn phế quản trước khi gắng sức phối hợp với làm nóng và làm mát thích hợp trước và sau vận động, chọn các môn thể thao phù hợp để không gắng sức quá mức, cần bổ sung đủ nước khi vận động.
  • Đối với hen suyễn do dị ứng thì việc điều trị sẽ cần bổ sung các thuốc có tác dụng kháng viêm tại chỗ như các thuốc corticoid dạng hít hoặc xịt hoặc phun khí dung. Tùy mức độ khác nhau bác sỹ sẽ cho thuốc điều trị phù hợp với từng bé. Đồng thời cần tìm hiểu về các yếu tố gây dị ứng, các yếu tố kích hoạt cơn hen suyễn để phòng ngừa sau này.

Như vậy để chẩn đoán hen suyễn trẻ em cần rất nhiều sự phối hợp từ ba mẹ, người chăm sóc bé về việc khai báo triệu chứng của bé một cách chính xác và khách quan nhất. Bên cạnh đó việc khám bệnh và làm các xét nghiệm nếu có thể cũng sẽ giúp cho việc chẩn đoán chính xác hơn. Đối với hen suyễn trẻ em sẽ có những chẩn đoán khác nhau của các bác sỹ khác nhau. Tuy nhiên các điều trị cần nhắm đến làm hết triệu chứng cho các bé và giúp phục hồi đường thở tốt nhất có thể vì khoảng thời gian dưới 6 tuổi thì các bé vẫn còn phát triển hệ hô hấp nên việc điều trị không phù hợp có thể sẽ ảnh hưởng tới chức năng phổi của bé sau này. Ngoài ra việc chăm sóc các bé như ăn uống bổ dưỡng phù hợp, vận động đầy đủ, môi trường trong lành, chích ngừa đầy đủ cũng giúp các bé có sức khỏe tốt hơn cũng góp phần giảm bớt các đợt bệnh cho các bé hiện tại và sau này.

 

Bài viết gần đây

08-10-2021

Điều trị hen suyễn theo cá thể là hướng điều trị vẫn dựa trên các hướng dẫn chuẩn, tuy nhiên được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá thể ( tình trạng bệnh, khả năng dùng thuốc..)

25-03-2021

Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng viêm đường hô hấp bằng cách đo khí Nitric Oxide trong hơi thở ra (FeNO),  giúp chẩn đoán và theo dõi chính xác tình trạng hen suyễn của bệnh nhân

22-03-2021

Điều trị  bằng thuốc  sinh học là một trong những biện pháp điều trị tiên tiến nhất hiện nay đối với các bệnh mạn tính, trong đó có hen suyễn