Điều trị hen suyễn theo cá thể là hướng điều trị vẫn dựa trên các hướng dẫn chuẩn, tuy nhiên được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá thể ( tình trạng bệnh, khả năng dùng thuốc..)
Lựa chọn đúng thuốc để điều trị hen suyễn cá thể
CHỌN LỰA ICS/LABA ĐIỀU TRỊ HEN SUYỄN CÁ THỂ
ThS.BS. Nguyễn Hữu Hoàng – Phòng khám hô hấp Phổi Việt
Hen suyễn là bệnh mạn tính của đường thở đặc trưng bởi tình trạng viêm đường thở và co thắt cơ trơn phế quản khi gặp các yếu tố kích thích. Sự co thắt cơ trơn phế quản có thể phục hồi tự nhiên hoặc nhờ thuốc giãn phế quản.
Điều trị hen suyễn theo cá thể là hướng điều trị vẫn dựa trên các hướng dẫn chuẩn, tuy nhiên được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá thể (tình trạng bệnh nặng nhẹ, khả năng sử dụng thuốc đúng cách, mong muốn của bệnh nhân…)
Bệnh nhân chúng ta thường được chỉ định thuốc theo chẩn đoán của bác sỹ. Tuy nhiên ngày nay việc trao đổi với bác sỹ để nhận được điều trị phù hợp và tối ưu là điều nên làm. Người bệnh nên được giải thích rõ về bệnh hen suyễn và việc sử dụng thuốc như thế nào từ bác sỹ. Người bệnh nên cho bác sỹ biết những mong muốn của mình khi điều trị, khả năng sử dụng thuốc và tài chính cho thuốc điều trị để cùng với bác sỹ đưa ra quyết định hợp lý cho mình.
Hen suyễn cần được điều trị cơ bản với các thuốc kháng viêm corticoid đường hít tại chỗ (ICS) và có thể thêm thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (LABA) tạo thành thuốc (ICS/LABA). Việc sử dụng ICS hay phối hợp ICS/LABA tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bệnh nhân, lứa tuổi và điều kiện sẵn có.
Thuốc điều trị cho bệnh nhân dưới dạng kết hợp ICS/LABA cũng có nhiều loại: chính hãng, không chính hãng… Chất lượng, hiệu quả, cách dùng, tác dụng phụ của mỗi thuốc là khác nhau. Vì thế để nhận được điều trị hợp lý và tối ưu chúng ta nên trao đổi với bác sỹ cũng như tìm hiểu kỹ về các thuốc điều trị này.
Nếu bạn là người lần đầu được chẩn đoán hen suyễn và bắt đầu sử dụng thuốc thì nên trao đổi với bác sỹ thật kỹ lưỡng. Bạn sẽ được chỉ định loại thuốc ICS đơn thuần hay là loại kết hợp ICS/LABA? Thuốc này là loại xịt ra sương hay là bột phải hút bằng miệng? Cách dùng của loại thuốc nào thì phù hợp với bệnh của bạn hơn? Bạn có thể bóp để hít thuốc xịt dễ dàng hay không? Lực hút thuốc của bạn có đủ mạnh để hút các loại thuốc bột hay không? Tác dụng phụ của các thuốc này có thể có là gì và cách khắc phục ra sao? Sau khi đã rõ ràng về thuốc mình sẽ dùng thì bạn cần làm theo hướng dẫn của bác sỹ và lặp lại các bước để bác sỹ kiểm tra có đúng chưa. Các lần tái khám bạn vẫn mang theo lọ thuốc để thao tác lại các bước cho bác sỹ kiểm tra lại việc dùng thuốc của mình.
Nếu bạn đã được chẩn đoán hen suyễn và đang dùng thuốc điều trị ICS/LABA hoặc ICS đơn thuần và bạn đã không còn ho, không còn khò khè, không còn khó thở nữa. Việc sử dụng thuốc của bạn đúng sau khi bác sỹ đã kiểm tra lại và bạn cũng không bị ảnh hưởng tác dụng phụ nào cả. Bạn sẽ vẫn tiếp tục dùng thuốc đang dùng. Nếu bạn dùng thuốc ICS/LABA mà không cải thiện bệnh vẫn tiếp tục ho, khò khè, khó thở hoặc không thể bóp và hít thuốc đúng cách hoặc không thể hút đủ hơi để đưa thuốc vào được thì nên nói rõ với bác sỹ để đổi sang loại khác hoặc huấn luyện lại cách sử dụng thuốc.
Nếu bạn dùng thuốc gặp phải các vấn đề như ho hay khô họng hay buồn nôn khi xịt, hít thuốc thì cần báo với bác sỹ để kiểm tra lại cách dùng thuốc, hướng dẫn lại nếu chưa đúng để khắc phục các vấn đề này. đúng hơn.
Nếu tình hình tài chính của bạn không cho phép sử dụng các loại thuốc quá mắc tiền thì cũng nên trao đổi với bác sỹ để có thể chọn lựa loại thuốc có thể điều trị được bệnh của bạn nhưng chấp nhận được. Nhưng bạn luôn nhớ rằng việc chọn lựa thuốc đúng và hiệu quả sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh hen suyễn tốt hơn, bạn sẽ có sức khỏe tốt, an toàn và ngăn chặn các đợt nhập viện cho bạn. Nếu các thuốc không đảm bảo với giá tiền thấp có thể không kiểm soát bệnh của bạn tốt thì chi phí khi nằm viện sẽ tăng lên nhiều hơn và ảnh hưởng sức khỏe của bạn nhiều hơn.
Để đạt được điều trị hen suyễn tối ưu nhất cho bản thân thì người bệnh cần trang bị kiến thức về bệnh, tuân thủ điều trị đã được bác sỹ hướng dẫn, tin tưởng vào điều trị nhận được từ bác sỹ. Bên cạnh đó thì cũng cần trao đổi với bác sỹ ở các lần tái khám để khắc phục các vấn đề gặp phải trong quá trình điều trị bệnh của mình.
Bài viết gần đây
Các dấu hiệu nhận biết hen suyễn ở trẻ em bao gồm: ho, khò khè, thở nhanh hay nông, tức ngực. Các triệu chứng này có thể sẽ nặng hơn vào ban đêm gần sáng, lúc trời lạnh
Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng viêm đường hô hấp bằng cách đo khí Nitric Oxide trong hơi thở ra (FeNO), giúp chẩn đoán và theo dõi chính xác tình trạng hen suyễn của bệnh nhân
Điều trị bằng thuốc sinh học là một trong những biện pháp điều trị tiên tiến nhất hiện nay đối với các bệnh mạn tính, trong đó có hen suyễn