Viêm phổi
VIÊM PHỔI
TS.BS. Lê Khắc Bảo – Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM
Phó khoa hô hấp Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định
Cố vấn chuyên môn Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt
TÓM TẮT
Viêm phổi là bệnh thường gặp, thể hiện tình trạng viêm nhu mô phổi do tác nhân gây bệnh phần lớn là vi khuẩn. Triệu chứng điển hình là sốt cao, lạnh run, ho khạc đàm mủ và đau ngực kiểu màng phổi (đau khi hít sâu vào, khi ho). Xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định bệnh là X quang phổi. Khi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, viêm phổi thường diễn tiến nặng có thể gây suy hô hấp cấp tính, nhiễm khuẩn huyết và có thể tử vong. Đến gặp bác sỹ sớm để được khám bệnh, chụp X quang phổi, làm xét nghiệm máu và điều trị kháng sinh kịp thời phù hợp là chìa khóa điều trị thành công.
|
Nội dung chi tiết:
1. Viêm phổi là gì?
2. Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh viêm phổi
3. Cần làm gì khi bị viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng viêm nhu mô phổi bao gồm phế nang, mô kẽ phổi và đôi khi là cả các tiểu phế quản do tác nhân gây bệnh phần lớn là vi khuẩn.
Tác nhân vi khuẩn điển hình : Streptococcus pneumoniae (phế cầu), H.influenza, Moraxella catarrhalis.
Tác nhân vi khuẩn không điển hình: Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, Legionelle pneumophila.
Tác nhân siêu vi: siêu vi hô hấp (Adenovirus, Influenza A và B, Rhinovirus, Enterovirus, Parainfluenza), siêu vi hô hấp hợp bào.
Viêm phổi cộng đồng là viêm phổi mắc từ bên ngoài bệnh viện hay các cơ sở chăm soc y tế ví dụ như nhà dưỡng lão.
Viêm phổi bệnh viện là viêm phổi mắc phải 48 giờ sau khi nhập viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe hay nhà dưỡng lão vì một nguyên nhân nào khác (ví dụ viêm dạ dày).
Viêm phổi diễn tiến rất nhanh chóng và rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh đúng đắn kịp thời. Nhu mô phổi bị viêm sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ trao đổi O2 và CO2 cho cơ thể, cơ thể sẽ bị thiếu O2 và ứ đọng thán khí CO2 dẫn đến suy hô hấp cấp tính. Vi khuẩn xâm nhập qua nhu mô phổi vào máu có thể gây ra nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm màng trong tim, choáng nhiễm trùng. Suy hô hấp và nhiễm trùng nếu không được kiểm soát sẽ gây tử vong cho bệnh nhân.
Bệnh nhân viêm phổi thường xuất hiện các triệu chứng sốt, ho khạc đàm mủ, đau ngực kiểu màng phổi (nghĩa là đau ngực khi ho, hít sâu vào, thay đổi tư thế).
Tùy theo tác nhân gây bệnh khác nhau mà triệu chứng và diễn tiến của bệnh có thể thay đổi đôi chút:
+ Viêm phổi do tác nhân vi khuẩn điển hình: phần lớn trường hợp bệnh nhân có cơn rét run sau đó là sốt cao > 390C, kèm ho khạc đàm mủ và đau ngực kiểu màng phổi. Tuy nhiên người lớn tuổi có thể không có sốt; bệnh nhân có thể có biểu hiện tím tái, khó thở, nhịp thở nhanh > 30 lần/phút; bệnh nhân có thể xuất hiện những mụn nước ở môi (gọi là herpes labialis)
+ Viêm phổi do tác nhân vi khuẩn không điển hình: phần lớn xảy ra trên người lớn tuổi và trẻ em với các triệu chứng diễn tiến âm thầm hơn bao gồm: sốt nhẹ, nhức đầu, ho khan, cảm giác mệt mỏi như triệu chứng nhiễm siêu vi.
X quang phổi là xét nghiệm tiêu chuẩn để chẩn đoán viêm phổi. Trên X quang sẽ xuất hiện các hình ảnh của tổn thương nhu mô như tổn thương phế nang, mô kẽ phổi.
Bệnh nhân chụp phim X-Quang phổi thẳng tại phòng khám Phổi Việt
Xét nghiệm công thức máu cho thấy bạch cầu trong máu tăng cao minh chứng cho tình trạng nhiễm khuẩn. Soi cấy đàm, cấy máu cho phép tìm thấy vi khuẩn gây bệnh.
Xét nghiệm đo nồng độ O2 và CO2 trong máu cho thấy tình trạng giảm oxy ± tăng thán khí trong máu minh chứng cho tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân.
Diễn tiến của bệnh viêm phổi:
Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng kháng sinh phù hợp, diễn tiến của viêm phổi rất thuận lợi, người bệnh sẽ giảm sốt và giảm ho khạc đàm trong vòng 48 – 72 giờ. Viêm phổi có thể phục hồi hoàn toàn không để lại di chứng gì với thời gian điều trị kháng sinh kéo dài từ 5 đến 10 ngày tùy trường hợp.
Nếu bệnh nhân đến gặp bác sỹ muộn hoặc được chọn lựa kháng sinh không phù hợp ngay từ đầu, diễn tiến của viêm phổi sẽ nặng nề hơn nhiều. Bệnh nhân sẽ tiếp tục ho và sốt, xuất hiện triệu chứng khó thở do suy hô hấp, tụt huyết áp thậm chí là trụy tim mạch do nhiễm trùng máu và choáng nhiễm trùng. Một số trường hợp có biến chứng áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, viêm màng trong tim (viêm nội tâm mạc nhiễm trùng), viêm màng não mủ, viêm khớp đe dọa trực tiếp tính mạng và để lại nhiều di chứng sau này.
Viêm phổi là bệnh nặng nguy hiểm, người bệnh nên chuẩn bị cho mình thái độ:
+ Không thể tự điều trị tại nhà được, ngược lại cần được các bác sỹ, tốt nhất là bác sỹ chuyên khoa hô hấp chẩn đoán và điều trị.
+ Chẩn đoán chậm trễ ± sai lầm, điều trị kháng sinh chậm trễ ± không phù hợp sẽ làm nặng lên rất nhiều tiên lượng bệnh.
+ Điều trị phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sỹ về chế độ sử dụng thuốc men, chế độ nghỉ ngơi, ăn uống.
Khi nghi ngờ mắc viêm phổi (sốt, ho khan hay ho khạc đàm mủ, đau ngực kiểu màng phổi, khó thở, nổi mụn nước ở miệng .v.v.), nên:
+ Nhanh chóng đi gặp bác sỹ, tốt nhất là bác sỹ chuyên khoa hô hấp để được khám và cho làm xét nghiệm chụp X quang phổi, làm xét nghiệm máu để chẩn đoán.
+ Trì hoãn không đến khám bác sỹ ngay sẽ làm nặng thêm tiên lượng của bệnh, việc cho kháng sinh chậm trễ cho dù là dùng kháng sinh mạnh phù hợp tác nhân gây bệnh cũng làm tăng tỷ lệ tử vong so với trường hợp được dùng kháng sinh sớm.
Các dấu hiệu cho biết viêm phổi có tiên lượng nặng cần phải đặc biệt quan tâm, có thể phải nhập viện điều trị:
+ Tuổi > 65
+ Mắc bệnh đi kèm: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dãn phế quản, ung thư, đái tháo đường, suy thận, suy tim, xơ gan, tai biến mạch máu não, suy dinh dưỡng, nghiện rượu.
+ Triệu chứng lâm sàng nặng: nhịp thở > 30 lần/ phút, Huyết áp < 90/60 mmHg, Mạch > 125 lần/ phút, Sốt cao ≥ 400C hoặc giảm thân nhiệt ≤ 350C, rối loạn ý thức.
Chế độ điều trị viêm phổi cộng đồng thay đổi khác nhau tùy theo trường hợp cụ thể, tựu trung có những điểm chính sau đây:
+ Điều trị kháng sinh sớm và phù hợp trong thời gian từ 5 – 10 ngày, kháng sinh có thể dùng đường chích hay uống, có thể dùng một hoặc hai ba loại kháng sinh. Trường hợp nhẹ - trung bình có thể điều trị ngoại trú được, trường hợp nặng hay có nhiều yếu tố nguy cơ sẽ phải nhập viện điều trị.
+ Sử dụng oxy khi có dấu hiệu suy hô hấp: khó thở, xanh tím, co kéo cơ hô hấp phụ.
+ Sử dụng thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết: giảm ho, giảm sốt, giảm đau.
+ Cuối cùng là phải được theo dõi tái khám để phát hiện các triệu chứng trở nặng hay xuất hiện biến chứng để can thiệp đúng lúc.