Bệnh nhân bị COPD kèm với di chứng do lao cần phải được theo dõi và điều trị hiệu quả để giảm nguy cơ đợt cấp COPD cũng như giảm nguy cơ tái phát lao phổi và viêm phổi.

Điều trị COPD kèm di chứng do lao

ĐIỀU TRỊ COPD KÈM DI CHỨNG DO LAO

ThS.Bs. Nguyễn Hữu Hoàng 

Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt

COPD và di chứng do lao

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh phổ biến ở nước ta. Nguyên nhân là do hút thuốc lá và tiếp xúc với các khói bụi độc hại (khói bếp, khói sản xuất nhà máy, ô nhiễm khói bụi…). Triệu chứng thường gặp là khó thở và ho khạc đàm mạn tính. Bệnh tiến triển theo thời gian và điều trị kiểm soát được với các thuốc phù hợp.

Di chứng do lao là tình trạng phổi bị xơ sẹo, giãn phế quản hay xẹp một phần hoặc toàn bộ phổi sau khi hoàn thành điều trị lao phổi. Tùy vào mức độ bệnh lao khi được chẩn đoán và đáp ứng điều trị mà di chứng sẽ nhiều hay ít. Di chứng có thể chỉ là các tổn thương nhỏ khu trú ở 1 vùng phổi nhất định nhưng cũng có thể ở nhiều vị trí và cả 2 phổi. Triệu chứng của những người bị lao phổi cũ có thể sẽ ho khạc đàm, khó thở hoặc nặng ngực tức ngực hoặc cũng có thể không có triệu chứng. Bệnh nhân mang di chứng do lao phổi sẽ có tình trạng tắc nghẽn đường thở do co kéo, lắng đọng mô hạt, sẹo hẹp phế quản. Bên cạnh đó là tình trạng giảm thể tích phổi, giảm sự đàn hồi của phổi gây ra gọi là hội chứng hạn chế hô hấp.

Nước ta là nước có nhiều người bị bệnh lao đặc biệt là lao phổi và cũng là nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao so với thế giới. Những người hút thuốc lá lại dễ mắc lao hơn người không hút (nguy cơ tăng gấp 4 lần). Vì thế chúng tôi đặt ra việc điều trị cho những bệnh nhân bị COPD kèm với di chứng do lao nhằm mục tiêu tăng hiệu quả và giảm nguy cơ đợt cấp COPD cũng như giảm nguy cơ tái phát lao phổi và viêm phổi.

COPD và lao cũ nhưng không có tổn thương trên x quang/CT phổi:

Đây là các bệnh nhân được chẩn đoán xác định COPD và trong thời gian trước có từng bị lao phổi nhưng khi kiểm tra x quang/CT phổi thì không phát hiện tổn thương hoặc tổn thương rất ít với vài dải xơ. Điều trị cho các bệnh nhân này được chỉ định giống với các bệnh nhân COPD khác là sử dụng các thuốc giãn phế quản kéo dài đơn thuần (LAMA hoặc LABA) hoặc phối hợp (LAMA+LABA). Chỉ nên sử dụng ICS (Corticoid hít) cho bệnh nhân có hen suyễn kèm theo còn lại thì không nên sử dụng ICS vì ICS làm tăng nguy cơ lao tái phát và viêm phổi. Cần theo dõi định kỳ với các xét nghiệm cơ bản và thêm soi đàm tìm vi trùng lao mỗi 3-6 tháng, cấy đàm tìm vi trùng lao mỗi 6 tháng đến 1 năm hoặc tiến hành các xét nghiệm đàm khi nghi ngờ bị lao tái phát.

COPD kèm giãn phế quản hoặc xơ sẹo sau lao phổi:

Bệnh nhân COPD từng bị lao phổi và khi chụp x quang hoặc CT phổi thì phát hiện giãn phế quản. Điều trị cho các bệnh nhân này nên khởi động với thuốc giãn phế quản kéo dài LAMA hoặc LAMA + LABA. Thuốc LAMA giúp giãn phế quản tốt và đồng thời giảm tiết đàm nhớt. Không nên sử dụng ICS cho những bệnh nhân này nếu bệnh nhân không bị hen suyễn kèm theo. Có thể bổ sung một số thuốc long đàm để giúp dễ khạc đàm. Bên cạnh đó cần tích cực ho khạc đàm chủ động và vận động thường xuyên cũng như uống đủ nước để dễ khạc đàm ra ngoài giúp giảm bớt ho và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Theo dõi các bệnh nhân này cần chú ý hơn với việc soi đàm tìm vi trùng lao định kỳ mỗi 3-6 tháng, cấy đàm tìm vi trùng lao và vi trùng thường mỗi 6 tháng đến 1 năm hoặc tiến hành xét nghiệm đàm khi bệnh nhân có biểu hiện ho đàm nhiều hơn và đàm đổi màu cũng như tình trạng bệnh nặng hơn.

Tắc nghẽn đường thở sau lao phổi:

Tình huống gặp phải ở các bệnh nhân bị lao phổi cũ không hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá rất ít chưa đủ để gây bệnh COPD. Tuy nhiên khi đo chức năng phổi (hô hấp ký) thì thấy tình trạng tắc nghẽn đường thở có hoặc không hạn chế hô hấp. Các trường hợp này thường gặp ở phụ nữ từng bị lao phổi. Việc tắc nghẽn đường thở trên hô hấp ký rất dễ chẩn đoán nhầm là COPD tuy nhiên cơ chế gây bệnh của di chứng do lao phổi lại khác với COPD. Vì thế khi điều trị bác sỹ cần cân nhắc kỹ chọn lựa thuốc để cải thiện các triệu chứng bệnh nhân đang có (khó thở, ho, khạc đàm…) và đặc mục tiêu là giải quyết các triệu chứng bệnh nhân đang gặp phải. Bệnh nhân có thể được cho dùng thuốc giãn phế quản đơn thuần (LAMA hoặc LABA) hoặc phối hợp 2 loại giãn phế quản (LAMA + LABA). ICS cũng chỉ nên chỉ định khi bệnh nhân có kèm theo hen suyễn và không dùng cho các trường hợp khác. Việc theo dõi cấy đàm nên được chỉ định định kỳ theo hướng dẫn sau khi hoàn thành điều trị lao phổi (3 tháng – 6 tháng – 1 năm).

Chẩn đoán và điều trị COPD kèm theo lao phổi cũ cần được đặt ra và cẩn thận hết sức nhằm mang đến hiệu quả điều trị tối đa và giảm bớt các nguy cơ cho bệnh nhân. Đối với các trường hợp COPD kèm lao cũ mà không để lại tổn thương phổi thì tiến hành điều trị như bệnh nhân COPD đơn thuần. COPD kèm giãn phế quản hoặc xơ sẹo sau lao phổi thì cần chú ý chọn lựa ưu tiên thuốc giãn phế quản LAMA đơn thuần hoặc phối hợp LAMA + LABA. Nếu bệnh nhân chỉ bị tắc nghẽn đường thở sau lao phổi thì chỉ nên tiếp tục điều trị các thuốc giãn phế quản (LABA hoặc LAMA hoặc LABA+LAMA) nếu bệnh nhân cải thiện triệu chứng hô hấp (khó thở, ho, khạc đàm). ICS là thuốc không nên dùng với các bệnh nhân lao cũ vì làm tăng nguy cơ viêm phổi, lao phổi tái phát. Chỉ dùng ICS cho các bệnh nhân có kèm theo hen suyễn và có đáp ứng với thuốc này. Việc theo dõi x quang phổi, soi đàm và cấy đàm tìm vi trùng lao cần được tiến hành theo định kỳ để phát hiện sớm lao tái phát ở các bệnh nhân từng bị lao để điều trị kịp thời. COPD kèm di chứng lao phổi nên tiếp tục tập phục hồi chức năng hô hấp như hít thở chúm môi, thở cơ hoành, ho khạc đàm chủ động, tập tăng sức cơ hô hấp và toàn thân đều đặn.


 

Bài viết gần đây

17-07-2017

COPD là bệnh toàn thân với nhiều bệnh đồng mắc và nhiều kiểu hình lâm sàng khác nhau như bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh cơ xương, bệnh mắt, bệnh chuyển hóa,...

17-07-2017

Một số người COPD không thể thực hiện những hoạt động hàng ngày mà không khó thở và phải dừng lại thường xuyên để hít thở  và người bệnh COPD cảm thấy căng thẳng

17-07-2017

Thang điểm Borg dùng để đánh giá mức độ khó thở khi tập phục hồi chức năng hô hấp với các bài tập và cường độ khác nhau. Khi luyện tập, điểm Borg của bạn không nên vượt quá 4