Ho khò khè có phải là hen suyễn?

Câu hỏi

6 tháng trở lại đây, mức độ khò khè tăng lên, cháu có biểu hiện khó thở, nhiều khi cháu phải rướn lên mới thở được. Như vậy có phải hen suyễn chưa?

Trả lời

Đặc trưng của hen suyễn là bệnh hay tái đi tái lại mãi với bốn triệu chứng chính là ho, khò khè, khó thở, nặng ngực. Như vậy nếu cháu có triệu chứng khò khè tái đi tái lại, nhiều hơn về đêm đôi khi kèm khó thở thì rất có khả năng cháu mắc hen suyễn.
Tuy nhiên cần nhớ chẩn đoán hen suyễn ở trẻ em không đơn giản vì có nhiều bệnh khác cũng có triệu chứng như vậy. Tốt nhất là dẫn cháu đi khám bác sỹ để được chẩn đoán chính xác

 

Khi nào cần liên lạc với bác sỹ hoặc đi cấp cứu khi có cơn hen cấp?

Khi các xử trí ban đầu không làm giảm triệu chứng cơn hen, bạn phải liên lạc ngay với bác sỹ hoặc đi cấp cứu. Những dấu hiện nhận biết cơn hen nặng không đáp ứng điều trị tại nhà là: khó thở nhiều đến nỗi lời nói bị gián đoạn; ho khó thở nhiều làm bệnh nhân cảm giác sợ hãi, sau xịt đã xịt 3 lần thuốc giãn phế quản cách nhau 15 – 20 phút mà triệu chứng không hết, hoặc là triệu chứng tái phát sớm < 4 giờ.

 

Dấu hiệu báo trước của một cơn hen cấp tính ?

Trước khi lên cơn hen thực sự, một số bệnh nhân có các triệu chứng báo trước như là hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, ngứa mắt, ngứa cổ và muốn ho.

Một số trường hợp khác bệnh nhân chỉ thấy các triệu chứng hen suyễn lâu nay vẫn có ví dụ như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực hôm nay nặng hơn thường ngày, bệnh nhân lấy thuốc xịt giảm triệu chứng như VENTOLIN nhưng không thấy khỏe nhanh như trước. Trong thực hành các bác sỹ thường dặn bệnh nhân nếu xịt VENTOLIN ba lần liên tiếp cách nhau 20 phút mà triệu chứng ho, khó thở, khò khè, nặng ngực vẫn còn thì đó là dấu hiệu có thể hen đã vào cơn hen cấp.

 

Điều trị bệnh hen và điều trị cơn hen có gì khác nhau không?

Thuốc điều trị chính cho bệnh hen là corticoid tại chỗ, nghĩa là thuốc corticoid xịt. Thuốc điều trị chính cho cơn hen lại là corticoid toàn thân, nghĩa là thuốc corticoid uống hoặc tiêm kết hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn đường phun khí dung. Thuốc điều trị bệnh hen phải dùng lâu dài hết ngày này sang tháng khác, năm này sang năm khác, ngược lại thuốc điều trị cơn hen cấp thông thường chỉ dùng từ 5 – 7 ngày. Nếu nhầm lẫn sử dụng thuốc điều trị cơn hen như corticoid uống, tiêm sang điều trị bệnh hen sẽ dẫn đến các tác dụng phụ của thuốc corticoid toàn thân. Ngược lại lấy thuốc điều trị bệnh hen để điều trị cơn hen thì cơn hen sẽ không thể được khống chế và bệnh nhân có thể bị tử vong.

 

Giữa bệnh hen và cơn hen có liên quan gì nhau không?

Bệnh hen không thể chữa khỏi hẳn được nhưng có thể điều trị kiểm soát triệu chứng được. Vì thế người ta thường xem bệnh hen có được kiểm soát hay không ? Bệnh hen được gọi là kiểm soát khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện ≤ 2 lần/ tuần vào ban ngày, < 1 lần/ tuần vào ban đêm, phải dùng thuốc giảm triệu chứng ≤ 2 lần/ tuần, không giới hạn làm việc, học tập, và chức năng phổi bình thường. Nếu các tiêu chuẩn này không đạt, bệnh hen sẽ không kiểm soát. Nghiên cứu chứng minh rằng tỷ lệ bệnh nhân có bệnh hen không kiểm soát vào cơn hen cấp nhiều hơn bệnh nhân có bệnh hen kiểm soát. Tóm lại bệnh hen càng không kiểm soát thì nguy cơ vào cơn hen cấp càng nhiều.

 

Hậu quả K – cort có thể gây ra khi người dân dùng thuốc này để trị suyễn

K-cort không phải là một thuốc được chỉ định để điều trị suyễn (hen) và thực tế các bác sĩ cũng không chỉ định thuốc này để cắt cơn suyễn

K cort chính là thuốc corticoid đường toàn thân dùng qua đường tiêm. K cort dùng điều trị hen suyễn sẽ phải tiêm đi tiêm lại nhiều lần và dẫn đến tác dụng phụ do dùng corticoid toàn thân kéo dài: loãng xương, đái tháo đường, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, hội chứng Cushing: mặt tròn như mặt trăng, da mỏng dễ bầm máu, suy thượng thận mạn tính nghĩa là tuyến thượng thận sẽ mất chức năng không còn tự tiết hormone được nữa, bệnh nhân có nguy cơ tụt huyết áp, suy tuần hoàn khi cơ thể vì lý do nào đó bị stress như nhiễm trùng, bỏng .v.v.

 

Hen phế quản mạn tính không được điều trị đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm gì?

Hen không điều trị đúng cách trước mắt sẽ làm chất lượng cuộc sống suy giảm: bệnh nhân khó thở, khò khè liên tục, mất ngủ, phải nhập viện điều trị liên tục, nghỉ làm, nghỉ học.v.v

Lâu dài bệnh ngày càng nặng hơn và dẫn đến các biến chứng mạn tính như suy hô hấp mạn, tâm phế mạn, tức là suy tim do bệnh phổi, đa hồng cầu gây cô đặc máu và cuối cùng sẽ làm giảm tuổi thọ.

 

Tại sao có thể gọi hen phế quản là bệnh mạn tính?

Hen được gọi là mạn tính vì bệnh hen cơ bản là không điều trị khỏi hẳn được mà chỉ có thể điều trị kiểm soát được mà thôi. Khi ngưng điều trị, triệu chứng hen sẽ xuất hiện trở lại. Nguyên nhân gây hen hiện nay chưa rõ, người ta cho rằng hen là do tương tác giữa cơ địa dễ mắc hen và yếu tố có hại từ môi trường. Như vậy gen di truyền đóng vai trò quan trọng trong sinh hen và giải thích vì sao hen là mạn tính.

 

Khắc phục bệnh hen suyễn

+ Hạn chế ra ngoài khi thay đổi thời tiết, mang khẩu trang, khăn quàng khi buộc phải ra ngoài khi thời tiết xấu.

+ Tiêm ngừa cúm và phế cầu để giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp. Hạn chế tiếp xúc người bị cảm cúm, rửa tay sạch sau khi tiếp xúc người bệnh.

+ Cai thuốc lá nếu đang hút, tránh xa người hút thuốc lá.

 

Sự khác biệt giữa bệnh hen và cơn hen?

Bệnh hen là tình trạng viêm mạn tính đường thở làm đường thở hẹp lại gây tắc nghẽn luồng không khí vào và ra khỏi phổi. Vì viêm là mạn tính nói đến bệnh hen là nói đến quá trình bệnh lâu dài. Trên nền viêm mạn tính ấy, tức là trên nền bệnh hen mạn tính ấy, thỉnh thoảng khi cơ thể tiếp xúc một yếu tố gây kích phát cơn hen từ môi trường, tình trạng viêm đường thở nặng hơn, tình trạng co thắt đường thở nhiều hơn làm đường thở hẹp nhiều hơn nữa, gây tắc nghẽn nặng hơn nữa, lúc đó chúng ta có cơn hen cấp. Như vậy có thể nói bệnh hen đóng vai trò là một nền viêm dai dằng bên dưới, còn cơn hen đóng vai trò như một biến cố cấp tính xuất hiện trên nền bệnh mạn tính đó.

 

Các yếu tố hay tác nhân nào thường gây kích ứng cơn hen cấp tính?

Các yếu tố kích phát cơn hen thường gặp nhất là:

+ Thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh, lạnh sang nóng, mùa khô sang mùa mưa và ngược lại.

+ Nhiễm trùng hô hấp trên do siêu vi hay vi khuẩn.

+ Tiếp xúc môi trường ô nhiễm , khói thuốc lá, bụi bặm. Tiếp xúc dị ứng nguyên kể cả thức ăn dị ứng

+ Gắng sức thể lực, căng thẳng tâm lý.

 

Theo mức độ nặng hay nhẹ của cơn hen có thể phân loại hen phế quản như thế nào?

Điều quan trọng cần nhớ là bệnh hen nhẹ cũng có thể vào cơn hen mức nặng và gây tử vong như thường, ngược lại bệnh hen nặng cũng có thể có cơn hen nhẹ như thường.

Vì lẽ đó người ta không dựa vào mức độ nặng nhẹ của cơn hen mà phân loại bệnh hen. 

Bệnh hen được phân loại dựa vào mức độ kiểm soát bệnh dựa trên 5 tiêu chí:

+ Triệu chứng hen vào ban ngày ≤ 2 lần / tuần

+ Triệu chứng hen vào ban đêm không có

+ Cần phải dùng thuốc giảm triệu chứng ≤ 2 lần/ tuần

+ Giới hạn hoạt động làm việc, sinh hoạt không có

+ Chức năng phổi bình thường

Nếu cả năm tiêu chí đều đạt thì gọi là hen kiểm soát; Nếu chỉ đạt 3 – 4 tiêu chí thì gọi là hen kiểm soát một phần; Nếu đạt 0 – 2 tiêu chí thì gọi là hen không kiểm soát. Nghiên cứu cho thấy hen càng không kiểm soát thì nguy cơ vào cơn hen cấp càng cao.

 
  • Xem thêm