Bệnh Đái Tháo Đường ĐTĐ là một trong những yếu tố thúc đẩy cho bệnh lao tiến triển. Cần kiểm tra đường huyết cho những người bị lao và người bị ĐTĐ cần chụp phổi mỗi 6 tháng
Bệnh nhân bị đái tháo đường dễ mắc lao
Bệnh nhân bị đái tháo đường dễ mắc lao
BS. Quách Minh Phong
Bác sĩ Trung Tâm Điều Trị Bệnh Hô Hấp Phổi Việt
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) tỷ lệ đái tháo đường ( ĐTĐ) trên toàn thế giới chiếm từ 0,24% đến 5,15% dân số, đến năm 2010 sẽ có khoảng 221 triệu người và 330 triệu người vào năm 2025.
Ở nước ta chưa có số liệu toàn quốc, theo một số công trình điều tra cho biết: tỷ lệ ĐTĐ ở Hà Nội (1991) là 1,1% dân số; ở Huế (1996) là 0,96% dân số và ở TP. Hồ Chí Minh (1993) là 2,52% + 0,4%, trong đó nữ mắc nhiều hơn nam gấp 1,5 đến 2 lần.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mạn tính do rối loạn chuyển hóa các chất đường gây ra bởi sự thiếu hụt insulin – chất nội tiết của tuyến tụy tiết ra, có đặc điểm gây tăng đường huyết và hoặc đường niệu. Bệnh ĐTĐ ở một giai đoạn muộn gây ra các rối loạn quan trọng chất đạm, chất mỡ và các chất điện giải. Bệnh ĐTĐ đã có từ lâu nhưng nay càng ngày càng tăng.
Bệnh Đái Tháo Đường có nhiều biến chứng:
- Cấp tính: hôn mê do hạ đường huyết, dùng quá liều insulin, mất nước do nôn mửa, tiêu chảy, nhiễm toan do sai lầm điều trị, chế độ ăn...
- Mạn tính: thường gặp ở nhiều cơ quan: Mạch máu lớn: xơ vữa động mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, viêm hoại tử chi dưới. Mạch máu nhỏ: viêm võng mạc mắt, viêm đa thần kinh vận động, liệt dương.
Các biến chứng khác:
- Nhiễm khuẩn.
- Đục nhân mắt, viêm thần kinh thị giác, liệt dây thần kinh mắt.
- Viêm lợi răng có mủ.
- Gan to nhiễm mỡ.
- Teo cơ, thoái hóa khớp.Dễ sảy thai, thai quá to (nặng trên 4kg).
Đặc biệt bệnh ĐTĐ thường gây nhiễm khuẩn phổi – phế quản, lao phổi. Hai bệnh ĐTĐ và lao phổi thường là người “bạn đồng hành” với nhau như bóng với hình như HIV/AIDS với lao phổi.
Một công trình nghiên cứu của Pháp xác nhận điều đó ở 42.000 người tham gia, trong đó có 5.000 người bị bệnh đái tháo đường, căn cứ trên một chất chỉ dấu đặc biệt đáng tin cậy: Nồng độ HémoglobineGlycosylée( HbA1c)
Mặc dù có xét đến tuổi tác và giới tính cũng như các yếu tố có thể làm gia tăng triệu chứng của một nhiễm trùng tiềm ẩn, các nhà nghiên cứu xác nhận sau 5 năm, số trường hợp bị bệnh đái tháo đường nhiều hơn ba lần so với những người không bị đái tháo đường
Nguy cơ gia tăng này chỉ liên quan đến lao phổi và chỉ được quan sát nếu bệnh đái tháo đường được kiểm soát kém, với nồng độ Hémoglobine Glycosylée hơn 7%.
Người mắc ĐTĐ thường mắc lao phổi, nhưng ngược lại người mắc lao phổi không phải đều mắc ĐTĐ.
- Nguyên nhân ĐTĐ mắc lao phổi nói riêng và các bệnh nhiễm khuẩn nói chung là do cơ chế cơ thể bị suy giảm miễn dịch làm cho sức đề kháng giảm sút, đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển
- Người bệnh phát hiện lao phổi phần lớn sau 5 năm mắc ĐTĐ, gần 2/3 trường hợp ĐTĐ phát hiện trước lao phổi
- Các dấu hiệu lâm sàng khởi phát của bệnh ĐTĐ/ lao phổi không khác với lao phổi đơn thuần: khởi phát cấp tính, bán cấp và không triệu chứng, phát hiện do tình cờ. Phổ biến là các dấu hiệu bán cấp; sốt nhẹ về buổi chiều, gây sút cân, ho . Tuy nhiên có một số điểm đặc biệt
- Xét nghiệm đờm soi trực tiếp tìm BK thường (+). khoảng 70% ở giai đoạn toàn phát
- Hình ảnh Xquang tổn thương phổi khác với lao phổi đơn thuần: tổn thương thường đối xứng 2 bên, thể bệnh lao thâm nhiễm phổ biến. vị trí thường ở vùng rốn phổi, đáy phổi (lao phổi đơn thuần: hay gặp ở vùng đỉnh và dưới đòn)
Hình ảnh tổn thương đối xứng hai bên phổi
Về điều trị lao phổi/ ĐTĐ gặp một số khó khăn vì vừa phải chữa ĐTĐ vừa phải chữa lao phổi, chức năng gan của người ĐTĐ đã yếu, các thuốc chữa lao lại độc với gan (R, Z, H...), các thuốc chữa ĐTĐ như sulfonyl urae, metformin, acarbose... cũng độc với gan, do đó không tránh khỏi tai biến do thuốc gây ra. Vì vậy đối với bệnh nhân lao phổi /ĐTĐ thì điều trị phải xong hành cả hai bệnh . Mục tiêu là phải kiểm soát đườing huyết lúc đói < 126mg% và HbA1C < 7%. Để đạt được những yêu cầu trên Bác sĩ điều trị nên cân nhắc điều trị bằng Insulin sớm cho bệnh nhân nhằm đạt được hiệu quả giảm các tác dụng phụ của thuốc và giảm biến chứng của bệnh đái tháo đường. Chế độ ăn uống của người bệnh ĐTĐ cần phải kiêng khem, ngược lại với lao phổi lại cần phải bồi dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể... Kết quả điều trị thất bại và tái phát cũng cao hơn điều trị lao phổi đơn thuần.
Tóm lại: Bệnh ĐTĐ là một trong những yếu tố thúc đẩy cho bệnh lao tiến triển . Vì thế cần: Kiểm tra đường huyết cho những bệnh nhân bị lao phổi và những bệnh nhân bị đáo tháo đường cần chụp Xquang phổi 6 tháng một lần nếu có nghi ngờ thì xét nghiệm đàm tìm vi trùng lao để phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ đạt hiệu quả cao. Cần phải điều trị lao tích cực, đúng phác đồ, phối hợp với điều trị ĐTĐ. Do đó cần phối hợp 3 chuyên khoa cùng điều trị: chuyên khoa lao phổi, chuyên khoa nội tiết và chuyên khoa dinh dưỡng. Khi có các biến chứng phải phối hợp với chuyên khoa khác như: Tim mạch, Thần kinh. Mắt.. Như vậy mới đạt hiệu quả tốt.
Bài viết gần đây
Bệnh nhân cần tới cơ sở y tế để khám ngay khi có triệu chứng ho đàm kéo dài kèm theo chán ăn sụt cân, sốt ớn lạnh, vã mồ hôi về chiều và đêm
Người nhiễm Lao không phải là người bệnh Lao, trong đàm không có vi khuẩn, không lây cho ai khác. Họ là người bình thường, nhưng về sau có thể có bệnh Lao.
Lao kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn lao kháng với thuốc dùng để điều trị bệnh lao. Điều đó có nghĩa là thuốc không còn có thể giết chết vi khuẩn lao nữa.