Bệnh nhân đang điều trị ngưng thở khi ngủ bằng máy CPAP nên có thể tự đọc và hiểu các thông số trong báo cáo của thiết bị CPAP để theo dõi và tuân thủ điều trị bệnh tốt hơn

Hiểu rõ hơn về kết quả điều trị CPAP của bạn

Hiểu rõ hơn về kết quả điều trị CPAP của bạn

ThS.BS. Hoàng Minh

Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt

 

Điều trị áp lực đường thở dương liên tục (CPAP: Continuous Positive Airway Pressure) là phương pháp tốt nhất để điều trị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA: Obstructive Sleep Apnea). Các thiết bị CPAP ngày nay cung cấp rất nhiều thông tin cho phép bạn và bác sĩ của bạn theo dõi quá trình điều trị và đảm bảo sự tuân thủ điều trị cũng như về hiệu quả điều trị và chất lượng giấc ngủ của bạn hàng đêm. Kết quả CPAP thường gồm 3 phần (Hình 1):

  • Báo cáo tổng quát
  • Báo cáo chi tiết
  • Báo cáo xu hướng

Việc có thể đọc và hiểu các thông số trong báo cáo của thiết bị CPAP của mình, bạn có thể hiểu mức độ hoạt động của thiết bị đối với bản thân và biết cách khắc phục một vài sự cố thường gặp. Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu rõ kết quả của các thông số hiển thị trên màn hình (hình 2) cũng như thẻ nhớ của thiết bị CPAP (hình 1).

Hình 1: kết quả điều trị CPAP từ dữ liệu trong thẻ nhớ

 

Hình 2: kết quả điều trị CPAP hiển thị trên màn hình máy CPAP

 

1. Mức độ tuân thủ điều trị CPAP

Nếu bạn đang sử dụng thiết bị CPAP để điều trị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, một trong những khái niệm mà bạn sẽ trở nên quen thuộc là báo cáo tuân thủ điều trị CPAP. Tuân thủ điều trị CPAP là thước đo mức độ hiệu quả của bạn khi sử dụng thiết bị CPAP trong khi ngủ. Báo cáo tổng quát sẽ cho bạn biết mức độ tuân thủ điều trị CPAP của bạn một cách khách quan, tuân thủ đối với thời gian sử dụng máy hơn 4 giờ/đêm trong hơn 70% số đêm trong quá trình điều trị thiết bị CPAP của bạn (hình 3, hình 4). Bạn có thể hiểu một cách đơn giản rằng trong thời gian 30 đêm điều trị với thiết bị CPAP, bạn cần sử dụng thiết bị CPAP ít nhất trong 22 đêm với thời gian sử dụng tối thiểu 4 giờ mỗi đêm. Thời gian sử dụng máy mỗi ngày, các sự cố trong đêm khi sử dụng thiết bị CPAP được thể hiện đầy đủ trong báo cáo chi tiết (hình 5).

Hình 3: Tuân thủ điều trị tốt từ màn hình máy CPAP (bệnh nhân sử dụng máy >4 giờ trong 361 ngày trong 1 năm)

 

Hình 4: bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt với 92,9% (> 70%) số đêm sử dụng thiết bị CPAP > 4 giờ (từ báo cáo tổng quát)

 

Hình 5: chi tiết sử dụng thiết bị CPAP từng ngày (báo cáo chi tiết)

 

Tuân thủ điều trị hay sử dụng thiết bị một cách liên tục có hiệu quả (hơn 4 giờ/đêm) giúp bạn có một giấc ngủ ngon, thư thái đồng thời có một tinh thần sảng khoải, tràn đầy năng lượng và sẵn sàng bắt đầu một ngày mới vào ban ngày. Trong thời gian ngắn hạn, việc không tuân thủ điều trị khiến bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, mệt mỏi, không tỉnh táo và có thể tăng cân. Về lâu dài, hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ không được điều trị có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như: tăng huyết áp khó kiểm soát, bệnh lý tim mạch, tăng đường huyết khó kiểm soát, tăng cân, trào ngược dạ dày thực quản hay đợt cấp các bệnh phổi mạn tính (hen, COPD,…). Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải tối đa hóa hiệu quả của thiết bị CPAP bằng cách cải thiện mức độ tuân thủ điều trị CPAP.

2. Hiệu quả điều trị CPAP - Chỉ số ngưng – giảm thở (AHI: Apnea – hypopnea index)

Để đánh giá hiệu quả điều trị CPAP, chỉ số ngưng giảm thở (AHI) – chỉ số về số lần ngưng thở hoặc giảm thở trong suốt đêm – được biểu hiện số lần ngưng giảm thở mỗi giờ, được dùng để đánh giá mức độ nghiêm trọng cũng như hiệu quả điều trị CPAP đối với hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ của bạn. AHI < 5 lần/giờ (hay < 10 lần/giờ khi bạn có chỉ số AHI ban đầu cao (> 40 lần/giờ) (hình 6, hình 7). Nếu bạn thấy AHI > 10 lần/giờ hay tăng lên so với trước đây, hãy liên hệ bác sĩ chuyên gia về giấc ngủ để thảo luận về những thay đổi hay điều chỉnh thiết bị CPAP phù hợp với bạn hơn. Các hình ảnh dưới đây là kết quả đọc từ thiết bị CPAP. Các kiểu máy khác nhau sẽ hiển thị thông tin khác nhau một chút, nhưng tất cả sẽ sử dụng các từ viết tắt tiêu chuẩn.

Hình 6: hiệu quả điều trị CPAP tốt với AHI = 0 lần/giờ sau điều trị (từ màn hình thiết bị CPAP)

 

Hình 7: hiệu quả điều trị auto – CPAP tốt với AHI = 3.3 lần/giờ (<5 lần/giờ) sau điều trị (báo cáo tổng quát từ thẻ nhớ thiết bị CPAP)

 

3. Hở khí

Hầu hết các mặt nạ đều có một lỗ thoát khí giúp thải khí CO2 trong khí bạn thở ra được gọi là hở khí chủ động. Hở khí thường được đo bằng đơn vị Lít/phút, với lượng hở khí chủ động chấp nhận được < 20 – 24 L/phút tùy theo nhà sản xuất (hình 8). Hở khí đáng kể hay hở khí không chủ ý thường xảy ra khi mặt nạ không phù hợp với bạn hoặc có tình trạng mở miệng khi đang ngủ. Hở khí đáng kể thường khiến bạn thấy khó chịu (khô mắt, khô mũi, ồn ào,…) hay làm áp lực quá cao/thấp khiến bạn thức giấc, ngưng sử dụng thiết bị CPAP làm ảnh hưởng tới mức độ tuân thủ cũng như hiệu quả điều trị. Khi có hở khí đáng kể hay hở khí không chủ ý bạn cần xem lại mặt nạ đã kín khi ngủ hay chưa hoặc thảo luận với bác sĩ điều trị của bạn về loại mặt nạ mũi – miệng nếu bạn có tình trạng mở miệng khi ngủ khiến hở khí đáng kể.