Nhằm hỗ trợ bệnh nhân ngáy và ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, kể từ tháng 06/2019 Phổi Việt tổ chức hội thảo ngưng thở khi ngủ đinh kỳ hàng tháng cho bệnh nhân
Hội thảo ngưng thở khi ngủ dành cho bệnh nhân
Các bác sỹ chuyên gia giấc ngủ của Phổi Việt sẽ chia sẻ các đề tài khác nhau về xử trí bệnh lý giấc ngủ giấc ngủ nói chung, đặc biệt là ngáy và ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, đồng thời các giải đáp thắc mắc có liên quan của bệnh nhân.
Kỳ 1: Ngày 23/06/2019 : Thở máy không xâm lấn áp lực dương giúp tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ như thế nào?
Nội dung kỳ 1 gồm 3 phần:
- Hiểu rõ về hội chứng ngưng thở khi ngủ;
- Cách chăm sóc và bảo quản máy thở áp lực dương;
- Chia sẻ, phản hồi của bệnh nhân về vấn đề sử dụng máy thở.
Các bác sĩ Phổi Việt rất vui được lắng nghe và chia sẻ ý kiến tích cực của bệnh nhân về hiệu quả mà máy thở đem lại cho họ:
Niềm vui của bệnh nhân
Bệnh nhân N. T. C. P., 74 tuổi, Quận 4, tiền căn Tăng Huyết Áp kháng trị, ban ngày buồn ngủ rất nhiều. Bệnh nhân được giới thiệu sang khám chuyên khoa hô hấp thì phát hiện hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ mức độ nặng, chỉ số ngưng thở giảm thở (AHI) lên tới 39 lần/ giờ. Bệnh nhân được chỉ định điều trị với máy thở CPAP, áp lực cố định, 8 cmH2O
Bác Phụng chia sẻ tại hội thảo: “Cái máy thở này thật kỳ diệu, làm tôi hết cả tăng huyết áp; Trước đây ngày nào tôi cũng phải uống thuốc huyết áp sáng chiều; từ ngày có máy tôi thử bỏ thuốc huyết áp mấy hôm thấy không sao nên bỏ luôn tới giờ vẫn thấy ổn. Ban ngày hết cả buồn ngủ luôn, lúc nào cũng tươi tỉnh và cảm thấy tràn đầy sức lực, đăng ký đi chơi tour du lịch hoài, mấy anh hướng dẫn viên còn giựt mình vì thất tôi còn khỏe và năng động hơn cả người trẻ. Hồi chưa khởi động điều trị, tối ngủ toàn nằm mơ và gặp ác mộng, bây giờ đánh luôn môt giấc tới sáng mà chẳng còn mơ gì nữa cả.”
BS Thanh giúp hội thảo hiểu rõ hơn về ích lợi của máy thở đối với vấn đề huyết áp này như sau:
Bên cạnh nhóm bệnh nhân có biểu hiện rõ của hội chứng ngưng thở khi ngủ như ban đêm ngủ ngáy to, ngủ trằn trọc, tiểu đêm, ban ngày buồn ngủ quá mức, tập trung kém, dễ cáu gắt … một số bệnh nhân lại không có các triệu chứng liên quan giấc ngủ rõ ràng dẫn đến bỏ sót chẩn đoán ngưng thở khi ngủ. Như trường hợp bác Phụng đây, biểu hiện chính lại nằm ở hệ tim mạch, tức là tăng huyết áp khó kiểm soát, dù đã sử dụng hơn 2 loại thuốc hạ áp nhưng vẫn không đạt được mức huyết áp mục tiêu. Theo Hội tim mạch Mỹ, ngưng thở khi ngủ là nguyên nhân gây tăng huyết áp hàng đầu, đặc biệt là các trường hợp tăng huyết áp kháng trị, 30 – 50% bệnh nhân tăng huyết áp và hơn 80% bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị bị ngưng thở khi ngủ. Vì vậy cần tầm soát ngưng thở khi ngủ trên nhóm bệnh nhân này, việc điều trị tích cực hội chứng ngưng thở khi ngủ đồng thời với điều trị thuốc hạ áp sẽ giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn, có thể làm giảm các nguy cơ bệnh lý tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim …
Bệnh nhân D. H. P., 50 tuổi, Bình Chánh. Hơn 2 năm nay, bệnh nhân xuất hiện tình trạng ngủ ngáy rất là nhiều, thường xuyên bị thức giấc ban đêm, thậm chí có lúc bị ngưng thở. Ban ngày bệnh nhân buồn ngủ rất nhiều, đang uống cà phê cũng có thể gục ra ngủ luôn, kèm đau đầu nhiều. Bệnh nhân đã khám nhiều nơi, được chẩn đoán tăng huyết áp và cơn thoáng thiếu máu não (tai biến dạng nhẹ), sau điều trị một thời gian các triệu chứng vẫn không cải thiện. Bệnh nhân được giới thiệu đến khám tại Phổi Việt thăm dò đa kí giấc ngủ và phát hiện hội chứng ngưng thở khi ngủ. Kết quả xét nghiệm cho thấy có ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ mức độ nặng kèm giảm oxy máu nặng. Bệnh nhân được chỉ định thở máy CPAP áp lực có hiệu quả = 12 cmH2O. Và kết quả mang lại sau gần 5 tháng điều trị bằng máy thở thật là bất ngờ. Bệnh nhân chia sẻ: “Giấc ngủ cải thiện hoàn toàn. 9g30 tối tôi ngủ đúng 1 giấc đến 4g30 sáng, không còn chuyên đi tiểu đêm 3, 4 lần, không còn giựt mình thức giấc nữa. Lúc trước tôi ngủ ngáy to đến mức hàng xóm hai nhà kế bên còn nghe thấy!!! Bây giờ chẳng bị ai phàn nàn vì tiếng ngáy của tôi cả. Lúc trước tôi đi bộ buổi sáng chừng 30 phút là mệt, bây giờ tôi có thể đi 60 phút, có thể chạy bộ nữa. Tôi vẫn giữ chế độ ăn như trước, kiêng dầu mỡ, tăng rau luộc nhưng từ khi khởi động ngủ thở máy nhưng bây giờ tôi đã giảm được 11 kg rồi, từ 87 kg chỉ còn 76 kg thôi. Thấy người khỏe hẳn ra, uống được 3-4 lon bia vẫn thấy khỏe. Hồi trước bà xã chê sao thấy ông ngủ tối ngày giãy như con cá lóc đập đầu vậy, bây giờ thì tôi ngủ rất yên rồi”
BS Bảo chia sẻ về lý do giảm cân nhờ kể từ ngày dùng máy CPAP:
Sau khi dùng máy thở áp lực dương, bệnh nhân ngủ được tốt hơn, sức khỏe hồi phục, nhờ thế, có thể tập thể dục lâu hơn và nhiều hơn, và lẽ dĩ nhiên cân nặng sẽ giảm. Ngoài ra khi dùng máy thở áp lực dương, tình trạng ngưng thở được chấp dứt, hoạt động chuyển hóa đường và mỡ trong cơ thể bớt rối loạn và đây cũng là một lý do nữa giúp cân nặng giảm. Đến lượt mình, giảm cân nặng giúp giảm nhẹ tình trạng ngưng thở khi ngủ hơn nữa. Có một số trường hợp, giảm cân nặng đủ nhiều giúp giảm hẳn ngưng thở khi ngủ và một số bệnh nhân không còn cần dùng máy thở áp lực dương nữa. Có thể thấy sử dụng máy thở áp lực dương trên bệnh nhân ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có thể là một yếu tố quan trọng góp phần làm giảm cân nặng.
Bệnh nhân T. V. Q., 31 tuổi, Bình Chánh. Từ hai năm nay chịu đựng những cơn buồn ngủ ngày liên tục, ban đêm thức giấc nhiều lần. Bệnh nhân chia sẻ “Sau một đợt stress nặng, bệnh nhân càng không thể ngủ ngon. Bây giờ thì ổn rồi, dù là giấc ngủ trưa hay giấc ngủ tối đều thấy khỏe khoắn cả “
BS Hoàng theo dõi điều trị cho anh Quang chia sẻ thêm vì câu chuyện này
“Anh Quang còn rất trẻ và tới khám vì ban ngày buồn ngủ nhiều và không thể làm việc được. Mất hẳn khả năng tập trung trong lúc làm việc, hiệu suất công việc giảm hẳn, trí nhớ sụt giảm nghiêm trọng. Bs khám chẩn đoán nhiều khả năng bị ngưng thở nên được đo giấc ngủ và kết quả ngưng thở lúc ngủ rất nặng, kèm giảm oxy máu nặng, chất lượng giấc ngủ kém, không thể ngủ sâu, giấc ngủ gián đoạn liên tục vì ngưng thở. Sau đó anh Quang được chỉ định thở máy áp lực dương và hiệu quả cải thiện một cách rõ ràng. Anh đã ngủ ngon hẳn, ngủ sâu hơn, giấc ngủ không bị gián đoạn. Sáng thức giấc thấy khỏe hẳn, không còn buồn ngủ ngày, tập trung làm việc tốt và cải thiện hoàn toàn về chất lượng cuộc sống”
Và những trăn trở..
Bệnh nhân T. T. X. H., 57 tuổi, quận 7 đi khám Phổi Việt vì lúc ngủ ngáy thật là to, đi ngủ sớm ngáy quá làm mọi người cứ kêu dậy hoài luôn, ban ngày đi làm rất mệt. Bệnh nhân đi khám thì phát hiện có hội chứng ngưng thở khi ngủ mức độ nặng và được chỉ định thở máy CPAP auto, áp lực có hiệu quả 11 cmH2O. Khi bắt đầu sử dùng máy, lúc chưa ngủ hơi khó chịu một chút, khi ngủ rồi thì ngon lành, không còn ngáy nữa, mọi người đều vui lòng. Buổi sáng thức dậy thấy khỏe, không còn buồn ngủ nữa, buổi trưa có hơi buồn ngủ một tí mà thôi. Bệnh nhân dùng máy thở cả ngủ trưa lẫn ngủ tối. Bệnh nhân chia sẻ một chút ưu tư của mình: “Từ ngày tôi thở máy đến giờ chẳng dám nhận lời đi du lịch qua đêm với bạn bè hay người thân nữa vì ngại phải xách máy theo, ngại để bạn bè thấy mình đi ngủ với cái máy này thấy kỳ kỳ làm sao”
Bác sĩ rất thông cảm và chia sẻ ưu tư này của bệnh nhân, đây cũng là nỗi lo của nhiều bệnh nhân khác.
Bác sĩ Hoàng tư vấn ”Thở máy áp lực dương là điều trị hiệu quả nhất với bệnh ngưng thở tắc nghẽn lúc ngủ. Các nghiên cứu đã chứng minh ngoài hiệu quả thì thở máy áp lực dương lúc ngủ không để lại di chứng và biến chứng gì cho bệnh nhân. Việc điều trị máy áp lực dương cần tuân thủ liên tục để đạt hiệu quả tối ưu nhất đối với ngưng thở lúc ngủ. Nếu không thở máy thì giấc ngủ sẽ rất kém và hậu quả do ngưng thở lúc ngủ gây ra sẽ xuất hiện. Việc ủng hộ và hỗ trợ của những người xung quanh rất có ý nghĩa đối với người bệnh để không mặc cảm và có thể tiếp tục sử dụng máy tiếp tục đều đặn. Vấn đề này cũng được ghi nhận từ các nước khác trên thế giới do nhận thức về bệnh ngưng thở lúc ngủ chưa đầy đủ. Vì vậy hãy xem ngưng thở lúc ngủ như những bệnh lý khác (tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương…) và cần được điều trị liên tục. Vì thế cần sự ủng hộ và chia sẻ của thân nhân và những người xung quanh để hỗ trợ và khuyến khích người bệnh ngưng thở dùng máy thở liên tục nhằm đạt hiệu quả điều trị tối ưu”
Bệnh nhân T. H. M. N., 42 tuổi, quận 8, gần đây ngáy kinh khủng luôn, hay giật mình khi ngủ, cả ngày cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày, đọc thông tin báo đài về chứng ngưng thở khi ngủ nên tìm đến Phổi Việt khám bệnh. Sau khi khám bác sĩ và được chỉ định đo đa ký giấc ngủ, kết quả cho thấy bệnh nhân ngưng thở khi ngủ mức độ nặng. Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ kèm ngưng thở trung ương, ngưng thở tắc nghẽn chiếm trên 50% thời gian, giảm oxy máu còn 80% trên 26 phút. Bệnh nhân được chỉ định sử dụng CPAP cố định áp lực có hiệu quả = 8.5 cmH2O. Từ ngày khởi động thở máy cảm thấy rất khỏe, ban chiều vào khoảng 5 - 6 giờ chiều thấy hơi mệt một chút. Có một hôm bị cúp điện, không thể thở máy được thì hôm sau thấy mệt liền. Bệnh nhân có một chút lo lắng: “Bác sĩ ơi em phải dùng máy thở trong bao nhiêu lâu? Dùng thời gian bao lâu thì ngủ không cần dùng máy nữa”
BS Thanh giải đáp như sau: Trước tiên, người bệnh cần được xem xét nguyên nhân dẫn đến ngưng thở khi ngủ của mình là gì, mỗi người có mỗi nguyên nhân khác nhau. Ngưng thở khi ngủ có thở do béo phì, mãn kinh, mang thai hoặc có thể do cấu trúc hàm, họng. Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể góp phần làm tình trạng ngưng thở khi ngủ nặng hơn như sử dụng rượu bia, thuốc lá, thuốc an thần, vệ sinh giấc ngủ kém. Vì vậy, khi nào thay đổi được các nguyên nhân trên, người bệnh sẽ được đánh giá lại và xem xét ngưng máy thở nếu chỉ số AHI giảm nhiều, chỉ ở mức độ nhẹ. Chẳng hạn như, người bệnh có béo phì, mỗi khi giảm được 10% cân nặng, chỉ số AHI sẽ giảm được 26%. Đối với nhưng bệnh nhân có amidan quá phát, phẫu thuật cắt bỏ amidan sẽ giúp giảm chỉ số AHI. Nghĩ tới việc phải sử dụng máy thở CPAP suốt đời có thể khiến người bệnh không vui và lo lắng, đặc biệt là lúc mới chẩn đoán. Tuy nhiên, những hiệu quả của CPAP trên chất lượng cuộc sống người bệnh là không thể bỏ qua được.
- Lái xe an toàn hơn (Lái xe trong khi chưa điều trị ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm).
- Sức sống tràn đầy và tỉnh táo hơn khi làm việc vào ban ngày.
- Cải thiện khả năng tập trung lâu hơn.
- Ít stress và ít cảm giác buồn rầu, ủ rũ hơn.
- Giảm nguy cơ bệnh lí tim mạch: nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim …
- Giảm nguy cơ tai biến mạch máu não 2 – 4 lần.
- Cải thiện cân nặng do cảm giác tràn đầy năng lượng và muốn hoạt động nhiều hơn.
- Mối quan hệ với bà con, bạn bè, đồng nghiệp trở nên tốt đẹp hơn.
Và còn nhiều chia sẻ tích cực của bệnh nhân nữa nhưng trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không thể kể hết
Tuy nhiên không phải điều trị bằng máy thở là phù hợp nhất cho tất cả các bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ. Cũng có rất nhiều bệnh nhân được chỉ định dùng máy thở, nhưng chỉ sử dụng được môt thời gian ngắn ban đầu lại bỏ đi không dùng nữa vì những lý do như cảm thấy ngộp quá, áp lực máy mạnh quá, máy rườm rà quá, ngủ thấy khó chịu… Trong buổi hội thảo kế tiếp vào tháng 7/2019, Phổi Việt sẽ lắng nghe ý kiến chia sẻ của những ca bệnh nhân này và tham vấn bệnh nhân cách giải quyết vấn đề giấc ngủ của mình môt cách tốt nhất. Xin hẹn lại quý độc giả ở bài viết kỳ 28/07/2019 – Trở ngại khi dùng máy thở CPAP
Bài viết gần đây
Bệnh nhân đang điều trị ngưng thở khi ngủ bằng máy CPAP nên có thể tự đọc và hiểu các thông số trong báo cáo của thiết bị CPAP để theo dõi và tuân thủ điều trị bệnh tốt hơn
Người được đo đa ký hô hấp hoặc đa ký giấc ngủ thường là có vấn đề bệnh liên quan tới giấc ngủ. Sau khi thực hiện đo giấc ngủ, ai cũng muốn hiểu rõ về giấc ngủ của mình
Để xác định chẩn đoán ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ cần phải thực hiện đa ký giấc ngủ tại phòng thăm khám giấc ngủ hoặc thực hiện đo đa ký hô hấp ngay tại nhà bạn