Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi, đặc biệt là ở trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi do khoang mũi và cấu trúc đường thở nhỏ dễ bị tắc nghẽn hơn so với trẻ lớn và người lớn

Viêm tiểu phế quản

VIÊM TIỂU PHẾ QUẢN

ThS. BS. Ngô Nguyễn Hải Thanh

Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt

 

Viêm tiểu phế quản là một trong các bệnh lý nhiễm trùng của đường hô hấp dưới thường gặp ở trẻ nhỏ. Tình trạng nhiễm trùng gây viêm, phù nề đường thở, tăng tiết dịch, vì vậy các đường thở có đường kính nhỏ (các tiểu phế quản) dễ bị bít tắc một phần hoặc hoàn toàn, điều này có thể làm cho trẻ khó thở (Hình 1). Trong khi đó, ở người lớn hoặc trẻ lớn chỉ biểu hiện triệu chứng cảm lạnh nhẹ.

 

 
  Viêm tiểu phế quản

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


                                       

Hình 1: Tiểu phế quản bình thường và khi bị viêm

Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi, đặc biệt là ở trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi do khoang mũi và cấu trúc đường thở nhỏ dễ bị tắc nghẽn hơn so với trẻ lớn và người lớn. Trong năm đầu tiên của cuộc đời, cứ 100 trẻ sẽ có 11 trẻ bị viêm tiểu phế quản, thậm chí còn có thể cao hơn nếu vào mùa cao điểm. Một số trẻ dễ bị viêm tiểu phế quản như: trẻ trai, trẻ sinh non tháng, nhẹ cân, trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ … Ngoài ra môi trường sống đông đúc cũng tạo điều kiện cho việc lây lan mầm bệnh khiến trẻ dễ mắc bệnh.

Hơn 90% trường hợp viêm tiểu phế quản do siêu vi (virus) gây ra, trong đó thường gặp nhất là virus hợp bào hô hấp (RSV) chiếm 50 – 80%, ngoài ra còn một số loại virus gây cảm lạnh thông thường như Rhino virus, Parainfluenzae virus … Bệnh thường xảy ra vào tháng 11 đến khoảng tháng 4 hàng năm (mùa đông và mùa xuân), đỉnh điểm là tháng 1 và tháng 2, thỉnh thoảng bệnh vẫn xảy ra vào mùa hè. Cha mẹ hút thuốc lá cũng làm cho trẻ dễ bị viêm tiểu phế quản nhất là các bà mẹ có hút thuốc lá trong thai kì.

Ban đầu, trẻ có các triệu chứng như cảm lạnh thông thường: ho, chảy mũi, hát hơi, có thể sốt nhẹ khoảng 380 hoặc không sốt. Vài ngày sau, trẻ bắt đầu ho nặng hơn, khò khè và thở nhanh. (Cha mẹ vui lòng xem thêm bài “Hen ở trẻ dưới 5 tuổi” để biết cách nhận biết khò khè và bài “Viêm phổi trẻ em” để nhận biết thở nhanh). Hầu hết trẻ chỉ bị nhẹ, có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại nhà, thường khoảng 5-7 ngày sẽ bớt. Tuy nhiên, một sốt trẻ diễn tiến nặng, khó thở và giảm oxy máu nặng cần phải nhập viện để theo dõi. Những trẻ này thường có cơ địa đặc biệt như trẻ sinh cực non tháng, trẻ có bệnh lí tim phổi bẫm sinh kèm theo, trẻ có hệ miễn dịch kém … Không phải mọi trẻ thở nhanh đều là bệnh nặng, cha mẹ đừng lo lắng quá nếu trẻ vẫn tỉnh, tươi và bú tốt. Cũng như tất cả bệnh lí khác ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đến khám cấp cứu trong trường hợp trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm như: trẻ không thể nuốt được hoặc bỏ bú, nôn ói tất cả mọi thứ, co giật, ngủ li bì khó đánh thức và tím tái (Cha mẹ có thể quan sát rõ nhất tại vùng môi miệng trẻ).

Chẩn đoán viêm tiểu phế quản chủ yếu dựa trên việc thăm khám của bác sĩ, ngoài ra xét nghiệm máu và chụp phim X-Quang phổi thường không cần thiết.

Như đã trình bày, viêm tiểu phế quản hầu hết do siêu vi, vì vậy việc điều trị kháng sinh là không cần thiết. Một số trường hợp nặng hoặc bệnh kéo dài dai dẳng mới cần cân nhắc sử dụng kháng sinh. Điều trị chủ yếu trong viêm tiểu phế quản là bù nước và vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lí để thông thoáng đường hô hấp trên giúp trẻ bú tốt hơn. Trong quá trình bệnh lí, do trẻ thở nhanh cũng như do mất dịch qua chất nôn ói, mồ hôi, trẻ cần phải được cung cấp đầy đủ nước. Cha mẹ có thể tính toán một cách dễ dàng lượng nước tối thiểu trẻ cần trong ngày như sau:

- Đối với trẻ dưới 10kg:                         100ml x số kg cân nặng

- Đối với trẻ trên 10kg và dưới 20kg: 1000ml + 50ml x số kg cân nặng trên 10kg

- Đối với trẻ trên 20kg:                          1500ml + 20ml x số kg cân nặng trên 20kg

 Thường viêm tiểu phế quản có thể tự giới hạn sau vài ngày nhưng một số trẻ có thể bị những đợt tái phát, khò khè tái đi tái lại. Những trường hợp bị viêm tiểu phế quản trong năm đầu đời nhất là những trẻ bị nặng có thể liên quan đến hen (Hen suyễn, hen phế quản) sau này, vì vậy cha mẹ cần lưu tâm đến các đợt khò khè trong năm qua, khò khè từ lúc mấy tháng tuổi, khò khè kéo dài bao lâu, một năm qua bị bao nhiêu đợt … cùng phối hợp với bác sĩ điều trị để theo dõi trẻ sát về sau.

Viêm tiểu phế quản có thể lây lan qua việc tiếp xúc với các chất tiết đường hô hấp từ người bệnh: chất tiết hầu họng, nước bọt bắn ra khi ho, chất tiết mũi khi chảy ra ngoài và hát hơi hoặc thậm chí qua tiếp xúc các loại đồ chơi có dính chất tiết của trẻ bệnh. Vì vậy biện pháp quan trọng trong phòng ngừa bệnh là rửa tay thường xuyên, bảo vệ trẻ tránh xa người có triệu chứng ho, cảm lạnh cũng như khói thuốc lá. Hiện tại không có vaccin cho bệnh viêm tiểu phế quản, chỉ có thuốc sử dụng cho những trẻ có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản nặng như: những trẻ sinh non tháng, trẻ có bệnh tim phổi kèm theo.

Vài thông tin chia sẻ cùng Quí cha mẹ, góp phần giúp cho cha mẹ hiểu biết về các bệnh lí đường hô hấp và chăm sóc trẻ tốt hơn. Nếu có điều gì lo lắng đừng ngần ngại trao đổi với chúng tôi. Cám ơn đã theo dõi bài viết.

 

Bài viết gần đây

17-08-2021

Viêm phổi cộng đồng  là tình trạng phổi bị tổn thương (viêm) cấp tính do nguyên nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm,…) xảy ra ngoài bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc y tế.

12-04-2021

Ung thư phổi là bệnh liên quan đến sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào trong mô phổi tạo thành khối u ác tính ở phổi. Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

30-10-2017

Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Mỗi ngày có khoảng 2.500 trẻ tử vong do viêm phổi , đa số là trẻ dưới 2 tuổi.