Viêm phổi cộng đồng  là tình trạng phổi bị tổn thương (viêm) cấp tính do nguyên nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm,…) xảy ra ngoài bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc y tế.

Viêm phổi cộng đồng

Viêm phổi cộng đồng

ThS.BS. Hoàng Minh

Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt

 

Viêm phổi cộng đồng (VPCĐ) là tình trạng phổi bị tổn thương (viêm) cấp tính do nguyên nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm,…) xảy ra ngoài bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc y tế. Viêm phổi cộng đồng thường xảy ra vào mùa đông và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và người có bệnh lý mạn tính như: bệnh lý tim mạch, đái tháo đường hay bệnh phổi mạn tính. Tại Việt Nam, viêm phổi cộng đồng là bệnh lý thường gặp thứ 2 chỉ sau tăng huyết áp và là nguyên nhân tử vong hàng đầu

Viêm phổi cộng đồng có các triệu chứng gì?

Bạn cần nghĩ đến viêm phổi cộng đồng khi có các triệu chứng cấp tính (< 7 ngày) sau đây:

  • Sốt (nhiệt độ ≥ 380C), lạnh run
  • Ho khan hoặc ho có đàm
  • Đau ngực kiểu màng phổi (nghĩa là đau ngực khi ho, hít sâu vào, thay đổi tư thế)
  • Khó thở (không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây), thở nhanh> 24 lần/phút
  • Mệt mỏi, đau cơ

 

Khi có các triệu chứng kể trên, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám. Bác sĩ sẽ hỏi thăm diễn tiến bệnh, khám phổi và các cơ quan khác (tim, bụng…), kiểm tra độ bão hòa oxy trong máu của bạn và có thể đề nghị làm một vài xét nghiệm như:

  • X quang phổi là xét nghiệm tiêu chuẩn để chẩn đoán viêm phổi. Trên X quang sẽ xuất hiện các hình ảnh của tổn thương nhu mô như tổn thương phế nang, mô kẽ phổi. Chụp phim X-quang ngực khi nghĩ viêm phổi mức độ trung bình – nặng để xác định chẩn đoán, đánh giá tổn thương phổi và gợi ý nguyên nhân…
  • Xét nghiệm công thức máu cho thấy bạch cầu trong máu tăng cao minh chứng cho tình trạng nhiễm khuẩn. Soi cấy đàm, cấy máu cho phép tìm thấy vi khuẩn gây bệnh.

X quang ngực gợi ý viêm phổi (đám mờ không đồng nhất - tổn thương phế nang)

Nếu tình trạng viêm phổi cộng đồng của bạn ở mức độ nặng, một vài xét nghiệm khác có thể được thực hiện để xác định nguyên nhân và hỗ trợ điều trị.

Làm sao để phân biệt lao phổi với viêm phổi?

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay là một vùng dịch tễ của lao phổi, đồng thời lao phổi cũng có một vài đặc điểm như: sốt, ho khan hay khạc đàm, mệt mỏi… có thể khiến chúng ta nhầm lẫn lao phổi với viêm phổi. Tuy nhiên, lao phổi thường có triệu chứng âm ỉ, kéo dài như sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi trộm, ho ra máu… kèm theo các triệu chứng toàn thân như: chán ăn, sụt cân, rụng tóc,… Ngoài ra, bác sĩ có thể dựa trên hình ảnh X-quang ngực thẳng (đám mờ đỉnh phổi, hình ảnh tạo hang…) và đề nghị làm xét nghiệm soi đàm tìm trực khuẩn kháng acid (Acid Fast Bacillus) để tìm vi khuẩn lao. Bạn có thể làm các xét nghiệm trên tại phòng khám Phổi Việt với thời gian trả kết quả nhanh chóng (Xquang 5 – 10 phút, soi đàm 45-60 phút).

(X-quang ngực thẳng gợi ý lao phổi (đám mờ đỉnh phổi, hình ảnh tạo hang)

(Nhuộm soi trên kính hiển vi quang học cho thấy trực khuẩn lao bắt màu đỏ)

 

 

Điều trị viêm phổi cộng đồng như thế nào?

Điều trị viêm phổi cộng đồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố ví dụ như nguyên nhân gây viêm phổi cộng đồng, mức độ nặng, tình trạng bệnh lý mạn tính… Viêm phổi cộng đồng do nguyên nhân vi khuẩn được điều trị bằng kháng sinh, phần lớn trường hợp có thể sử dụng kháng sinh uống tại nhà. Hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng thuốc đầy đủ theo toa của bác sỹ dù bạn đã thấy khỏe hơn để đảm bảo diệt hết vi khuẩn gây bệnh và tránh vi khuẩn kháng thuốc trong cơ thể bạn.

Khi nào bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn?

Bạn thường sẽ cảm thấy khỏe hơn sau 3 – 5 ngày sau khi bắt đầu điều trị. Phần lớn mọi người có thể quay lại cuộc sống thường ngày sau khoảng 1 tuần sau khi điều trị. Tuy nhiên, bạn có thể còn cảm thấy mệt hay ho kéo dài khoảng 01 tháng hoặc hơn sau khi điều trị và ho thường nhẹ hơn so với lúc đầu và tự khỏi.

Bạn cần làm gì sau khi hồi phục?

Nghỉ ngơi và uống đủ nước là cần thiết sau khi khỏi bệnh. Bạn cần thực hiện các biện pháp sau để ngăn ngừa và tránh tái phát  viêm phổi cộng đồng:

  • Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng
  • Tiêm ngừa vắc – xin cúm và phế cầu
  • Ngưng hút thuốc lá (nếu có)
  • Tuân thủ điều trị các bệnh lý mạn tính

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y tế, "Niên giám thống kê y tế 2014," 2015. Nhà xuất bản Y học

Bài viết gần đây

12-04-2021

Ung thư phổi là bệnh liên quan đến sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào trong mô phổi tạo thành khối u ác tính ở phổi. Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

13-12-2017

Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi, đặc biệt là ở trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi do khoang mũi và cấu trúc đường thở nhỏ dễ bị tắc nghẽn hơn so với trẻ lớn và người lớn

30-10-2017

Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Mỗi ngày có khoảng 2.500 trẻ tử vong do viêm phổi , đa số là trẻ dưới 2 tuổi.