Ngoài lao phổi và ung thư phổi, dãn phế quản cũng là một trong các nguyên nhân thường gặp gây ho ra máu. Ho ra máu trong giãn phế quản là ho ra máu lượng ít, tái đi tái lại

Giãn phế quản

Giãn phế quản - Nguyên nhân thường gặp gây ho ra máu!

 

Ông T 57 tuổi đến khám tại phòng khám Phổi Việt theo chương trình Hội chẩn chuyên môn bệnh hô hấp khó trị vì một nỗi trăn trở là ông thỉnh thoảng lại ho ra đàm vướng máu, thường là đàm màu trắng có dính dây máu, nhưng cũng có khi máu đỏ tươi lượng ít, thông thường thì máu ra 3 – 5 ngày thì hết. Trước kia ông T đã có tiền căn lao phổi đã điều trị đủ 9 tháng. Ông T rất lo ngại vì sợ lao phổi lại tái phát, ông sợ lây cho đứa cháu nội mới tròn 2 tuổi mà ông rất quý, từ khi có ho ra máu ông không dám bế cháu và điều này làm ông rất buồn. Bác sỹ tại phòng khám chuyên khoa hô hấp Phổi Việt cho ông làm xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong đàm, nội soi phế quản và chụp CT scan lồng ngực. Cuối cùng phát hiện ông T bị dãn phế quản thùy trên phổi phải di chứng của lao cũ, không tìm thấy vi khuẩn lao và không phát hiện ung thư phổi!

 

Giãn phế quản là gì ?

dãn phế quản

 Ngoài lao phổi và ung thư phổi, dãn phế quản cũng là một trong các nguyên nhân thường gặp gây ho ra máu. Đặc tính của ho ra máu trong dãn phế quản là ho ra máu lượng ít, tự cầm trong vòng 3 – 5 ngày, tái đi tái lại nhiều lần, đặc biệt là những khi bị cảm cúm dẫn đến nhiễm khuẩn đường hô hấp, bệnh nhân thường khai là có cảm giác tức, nóng trong ngực phải ho bật mạnh ra và khi đó ra một chút máu, một số bệnh nhân khác thường ho ra máu khi vận động, gắng sức mạnh làm bệnh nhân rất ngại vận động hay làm mạnh. Đôi khi bệnh nhân dãn phế quản có thể ho ra máu lượng nhiều 100 – 200 ml và cả trường hợp ho ra máu sét đánh dẫn đến tử vong. Nguyên nhân dãn phế quản có nhiều nhưng thường gặp nhất là dãn phế quản – di chứng của lao phổi, dãn phế quản sau một nhiễm trùng mạn tính ở phổi như áp xe phổi, viêm phổi do hít phải dị vật đường thở.

 

Giãn phế quản ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống bệnh nhân ?

Ho ra máu do dãn phế quản để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh và gia đình, phải kể đến đầu tiên là tâm lý nặng nề cho người bệnh vì cho rằng mình bị lao phổi, bị ung thư phổi ; việc ho ra máu tái đi tái lại nhiều lần đặc biệt là sau khi nhiễm khuẩn hô hấp, vận động mạnh làm hạn chế rất nhiểu người bệnh : người bệnh không dám đi đâu không dám làm gì vì sợ ho ra máu, người bệnh lúc nào cũng sống trong trạng thái bất an không biết khi nào sẽ ho ra máu tiếp. Cuối cùng vẫn phải kể đến nguy cơ ho ra máu lượng lớn, ho ra máu sét đánh dẫn đến tử vong.

 

Bệnh nhân nên làm gì khi bị ho ra máu ?

Ho ra máu nói chung và ho ra máu do dãn phế quản nói riêng là một cấp cứu nội khoa. Người bệnh ho ra máu phải đến ngay bác sỹ chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị cầm máu sau đó lên kế hoạch điều trị lâu dài để phòng ngừa ho ra máu tái diễn. Đối với bệnh dãn phế quản khu trú bác sỹ có thể cho bệnh nhân đi phẩu thuật cắt bỏ thùy phổi bị dãn phế quản. Lúc này chúng ta nói dãn phế quản đã được điều trị khỏi. Trong trường hợp dãn phế quản lan tỏa không có chỉ định phẫu thuật, bác sỹ chuyên khoa hô hấp sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân các biện pháp điều trị bằng thuốc và cả không bằng thuốc để giữ cho phổi được khỏe mạnh tránh nhiễm trùng và như thế tránh ho ra máu, các bài tập thể dục và cách ăn uống để có thể làm vệ sinh phế quản mỗi ngày. Trong trường hợp ho ra máu tái đi tái lại nhiều lần bác sỹ sẽ cho đi can thiệp mạch máu làm tắc mạch máu gây chảy máu để cầm máu.

Bài viết gần đây

17-08-2021

Viêm phổi cộng đồng  là tình trạng phổi bị tổn thương (viêm) cấp tính do nguyên nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm,…) xảy ra ngoài bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc y tế.

01-08-2021

Dấu hiệu suy hô hấp là mức oxy trong máu tụt giảm. Oxy máu giảm càng nhanh và càng nhiều thì càng nặng. Vậy ta theo dõi mức oxy để biết tình trạng viêm phổi đang diễn biến thế nào.

01-08-2021

Vắc xin COVID-19 sẽ ngừa cho ta không bị  bệnh nặng và tử vong, ta chưa biết rõ chúng giữ cho ta không bị nhiễm và lan truyền vi rút qua cho người khác được đến mức nào