Đặc tính của ho khạc đàm mủ trong dãn phế quản là ho đàm đặc quánh, màu vàng, xanh, lượng từ trung bình đến nhiều làm bệnh nhân phải khạc nhổ cả ngày.

Ho có đờm kéo dài có thể là dãn phế quản

Ho có đờm kéo dài có thể là dãn phế quản!

TS.BS. Lê Khắc Bảo

Giảng viên bộ môn nội hô hấp trường ĐHYD TPHCM

Phó khoa hô hấp bệnh viện Nhân Dân Gia Định

Cố vấn chuyên môn trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt

 

Dãn phế quản là một bệnh lý thường gặp ở người lớn với các triệu chứng như ho, khạc đàm dai dẳng. Vì triệu chứng tương tự với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm là COPD. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân nhưng có thể điều trị được bằng phương pháp thích hợp.

Ông B. (52 tuổi) đến khám theo chương trình Hội chẩn chuyên môn bệnh hô hấp khó trị tại phòng khám Phổi Việt vì ho có đàm kéo dài nhiều năm. Cả ngày ông cứ ho kéo dài và khạc đàm rất nhiều. Ông đã đi khám một số nơi, được đo hô hấp ký và chẩn đoán ‘‘Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD’’, ông đã được cho sử dụng các loại thuốc xịt dãn phế quản nhưng bệnh không giảm. Sau khi hỏi và khám bệnh tại Phổi Việt, các bác sỹ chuyên khoa hô hấp phát hiện ông B. ho cả ngày chứ không chỉ ho vào buổi sáng như các bệnh nhân COPD, hơn nữa đàm của ông có màu vàng, xanh đặc chứ không phải nhầy trắng như trường hợp bệnh nhân COPD. Các bác sỹ nghi ngờ ông B. bị bệnh dãn phế quản chứ không phải là COPD ! Chụp phim CT scan lồng ngực cho thấy ông B. bị dãn phế quản lan tỏa hai bên phổi nhiều nhất ở hai đáy phổi. Kết quả đo hô hấp ký có tắc nghẽn đường thở, tuy nhiên tắc nghẽn đường thở hiện diện không chỉ ở COPD mà còn hiện diện ở các bệnh khác nữa như bệnh dãn phế quản. Chế độ điều trị cho ông B. đã được điều chỉnh lại, ông B. được kê thuốc kháng sinh, thuốc long đàm  để điều trị nhiễm trùng phổi chứ không chỉ là thuốc xịt dãn phế quản. Ngoài ra ông B. còn được hướng dẫn tập các động tác làm vệ sinh phế quản mỗi ngày, tập ho và khạc đàm ; ông B. được chỉ định tiêm ngừa phế cầu, tiêm ngừa viêm phổi, được cho sử dụng các thuốc tăng cường miễn dịch, điều hòa miễn dịch. Chế độ điều trị mới đã giúp ông B. bớt ho khạc đàm hơn và có cuộc sống dễ chịu hơn.

Dãn phế quản có hai thể bệnh : dãn phế quản ‘‘thể khô’’ biểu hiện bằng ho ra máu tái đi tái lại, dãn phế quản ‘‘thể ướt’’ biểu hiện bằng ho khạc đàm mủ kéo dài. Đặc tính của ho khạc đàm mủ trong dãn phế quản là ho đàm đặc quánh, màu vàng, xanh, lượng từ trung bình đến nhiều làm bệnh nhân phải khạc nhổ cả ngày. Trong quá trình diễn biến bệnh nhân phải chịu nhiều đợt nhiễm trùng phổi với lượng đàm ho khạc nhiều hơn, lượng mủ nhiều hơn, bệnh nhân sốt cao lạnh run đau ngực. Thông thường những đợt nhiễm trùng phổi trên bệnh nhân dãn phế quản nặng cần phải điều trị kháng sinh mạnh, có khi phải nhập viện điều trị. Bệnh nhân có thể tử vong trong một lần nhập viện như vậy vì viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, choáng nhiễm trùng.

Bệnh dãn phế quản là một gánh nặng cho người bệnh và gia đình. Tuy nhiên nếu đi khám bác sỹ chuyên khoa hô hấp sớm, người bệnh có nhiều cơ may được phát hiện sớm bệnh, giúp họ không bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh phổi mạn tính khác như hen, COPD… giúp họ tránh được các điều trị không cần thiết, và quan trọng hơn người bệnh nhân được hướng dẫn các biện pháp điều trị phù hợp để chữa khỏi bệnh (trong trường hợp có chỉ định phẫu thuật) hoặc kiểm soát tốt bệnh (trong trường hợp không có chỉ định phẫu thuật). 

Bài viết gần đây

17-08-2021

Viêm phổi cộng đồng  là tình trạng phổi bị tổn thương (viêm) cấp tính do nguyên nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm,…) xảy ra ngoài bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc y tế.

01-08-2021

Dấu hiệu suy hô hấp là mức oxy trong máu tụt giảm. Oxy máu giảm càng nhanh và càng nhiều thì càng nặng. Vậy ta theo dõi mức oxy để biết tình trạng viêm phổi đang diễn biến thế nào.

01-08-2021

Vắc xin COVID-19 sẽ ngừa cho ta không bị  bệnh nặng và tử vong, ta chưa biết rõ chúng giữ cho ta không bị nhiễm và lan truyền vi rút qua cho người khác được đến mức nào