Người nhiễm Lao không phải là người bệnh Lao, trong đàm không có vi khuẩn, không lây cho ai khác. Họ là người bình thường, nhưng về sau có thể có bệnh Lao.

Nhiễm lao và bệnh lao

NHIỄM LAO VÀ BỆNH LAO

BS. Nguyễn Hồng Đức

Cố vấn chuyên môn phòng khám chuyên khoa hô hấp Phổi Việt

Nguyên trưởng khoa phòng khám Bệnh Viện Phạm Ngọc Thạch

Khi vi khuẩn Lao lần đầu xâm nhập được vào phổi của một người bình thường, diễn biến sự việc sẽ như sau: vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở, rồi theo đường mạch máu và bạch huyết phát tán đi khắp nơi trong cơ thể. Hệ thống phòng ngự có sẵn của cơ thể tại phổi sẽ chống lại vi khuẩn Lao và sự phát triển của nó. Cuộc chiến này kéo dài khoảng 6-8 tuần thì kết thúc. 3 kết cục có thể xảy ra:
- Vi khuẩn Lao quá mạnh, cơ thể quá suy yếu không thể chống cự, vi khuẩn Lao phát triển mạnh gây bệnh ngay. Trường hợp này ít xảy ra, gặp trong trường hợp trẻ em suy dinh dưỡng nặng hoặc người có suy giảm miễn dịch nghiêm trọng như nhiễm HIV không điều trị, hoặc do có bệnh khác.
- Cơ thể quá mạnh,giết chết toàn bộ vi khuẩn Lao trong cơ thể. Trường hợp này cũng ít xảy ra vì cơ thể mới gặp vi khuẩn Lao lần đầu.
- Đa số vi khuẩn Lao bị tiêu diệt, nhưng một số vẫn sống sót và bị hệ thống miễn dịch giam hãm tại một nơi bất kỳ nào đó trong cơ thể. Vi khuẩn Lao có sức trường tồn mạnh, chịu đựng trong các nhà tù đó rất lâu dài, có khi nhiều năm. Đến một thời gian nào đó,cơ thể vì lý do nào đó suy yếu đi, vi khuẩn Lao vùng dậy, phá vỡ nơi giam giữ mình, phát triển và gây bệnh. Lúc đó thành bệnh Lao. Người ta thấy rằng ở người bình thường, 90% trường hợp vẫn sẽ bình thường suốt đời không có bệnh Lao. Trường hợp này gọi là nhiễm Lao tiềm tàng. Khi thử phản ứng lao tố trên da hoặc thử máu sẽ có phản ứng dương tính. Người nhiễm Lao không phải là người bệnh Lao, trong đàm không có vi khuẩn, không lây cho ai khác. Họ là người bình thường, nhưng về sau có thể có bệnh Lao. Chỉ có 10% số người bị vi khuẩn Lao xâm nhập trước kia thành bệnh Lao mà thôi. Biến cố này có thể xảy ra sau khi vi khuẩn Lao xâm nhập vào cơ thể nhiều tháng hoặc nhiều năm, đa số là trong vòng 2 năm đầu tiên. Khác với lúc vi khuẩn Lao xâm nhập vào cơ thể thì âm thầm không triệu chứng, lúc thành bênh Lao thì có triệu chứng toàn thân như sốt, ra mồ hôi đêm, ăn kém, sụt cân, và triệu chứng của cơ quan bị Lao. Lao phổi là thường xảy ra nhất. Nhưng Lao có thể có ở bất kỳ cơ quan nào vi khuẩn Lao đã đến ẩn nấp: lao hạch, lao da, lao xương, lao thận, lao màng não, lao ruột, lao vú, lao mắt, ... Lao chỗ nào thì có thêm triệu chứng của cơ quan đó. Lao phổi thì ho, ho đàm, ho ra máu, tức ngực, khó thở. Lao hạch thì hạch to lên. Lao màng não thì thay đổi tri giác, có dấu hiệu thần kinh, ... và có sự hiện diện của vi khuẩn Lao trong bệnh phẩm lấy từ cơ quan bị Lao, như đàm, nước tiều, hạch, .... Người bệnh Lao phổi có thể lây cho người ở gần mình. Những bệnh Lao khác như Lao hạch, Lao xương, Lao màng não, Lao màng bụng, ... không lây được.
Người có bệnh Lao cần điều trị và có thể điều trị khỏi hẳn. Điều trị Lao cần nhiều thuốc, ít nhất là 4 thuốc và kéo dài ít nhất 6 tháng. Người nhiễm Lao có thể phát triển thành bệnh Lao về sau nên có thể điều trị dự phòng. Dự phòng Lao chỉ cần uống 1 thứ thuốc. Đối tượng nhiễm Lao ưu tiên điều trị dự phòng Lao là: trẻ em dưới 5 tuổi sống chung với người bệnh Lao, người nhiễm HIV chưa có bệnh Lao, và một sớ đối tượng khác có nguy cơ dễ thành bệnh Lao. Khi trong nhà có người bị Lao, nhất là Lao phổi, cần tầm soát Lao cho người sống chung.

Bài viết gần đây

27-07-2021

Bệnh nhân cần tới cơ sở y tế để khám ngay khi có triệu chứng ho đàm kéo dài kèm theo chán ăn sụt cân, sốt ớn lạnh, vã mồ hôi về chiều và đêm

14-03-2018

Lao kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn lao kháng với thuốc dùng để điều trị bệnh lao. Điều đó có nghĩa là thuốc không còn có thể giết chết vi khuẩn lao nữa.

15-09-2017

Vi trùng lao rất dễ đề kháng thuốc lao. Nếu không tuân thủ điều trị đúng cách thì hậu quả là không khỏi bệnh; tạo vòng vi trùng kháng thuốc khó chữa, tạo nguồn lây kháng thuốc, là gánh nặng cho gia đình và xã hội