Để hỗ trợ quyết tâm cai thuốc lá, y khoa có những thứ thuốc để giúp ta tránh được những khó chịu tạm thời của việc cai thuốc và giúp hủy diệt trung tâm lệ thuộc nicotine trong não .
Câu chuyện hút thuốc lá và bỏ thuốc
CÂU CHUYỆN HÚT THUỐC LÁ VÀ BỎ THUỐC
BS. Nguyễn Hồng Đức
Cố vấn chuyên môn phòng khám chuyên khoa hô hấp Phổi Việt
Nguyên trưởng khoa phòng khám bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Sao khó bỏ thuốc lá vậy?
Mình ghiền thuốc lá là do trong khói thuốc lá có chứa nicotine. Nicotine là một chất khí không mùi, không màu, không vị, nên giác quan không nhận ra sự có mặt của nó. Mỗi lần mình kéo một hơi thuốc lá, nicotine vào phổi rồi lên não rất nhanh sau 7 giây. Nicotine khi vào máu lên não từng đợt như vậy sẽ dần dần hình thành trong não của người hút một trung tâm lệ thuộc nicotine, nằm trong vòng khen thưởng của não như các chức năng sinh tồn khác như ăn uống, hoạt động tính dục. Khi khát mình đi tìm nước uống, khi đói mình đi tìm đồ ăn. Ăn, uống ngon, thấy đã, thấy khoái. Sinh hoạt tính dục, thấy khoái. Tại sao vậy? Vì lúc đó trong não tiết ra những hóa chất giống như thuốc phiện, tạo cho ta cảm giác khoái lạc. Nếu không có cảm giác đó, động vật sẽ không thiết gì đến ăn, uống, hoạt động tính dục… Và như thế không thể duy trì chủng loại. Thuốc lá, hút thành nghiện là do đã xâm nhập vào hệ thống này.
Ở trung tâm lệ thuộc nicotine trong não có các nơi tiếp nhận chất nicotine gọi là các thụ thể nicotine. Các thụ thể này nguyên thủy là các thụ thể của các chất dẫn truyền luồng thần kinh. Nicotine khi bám vào các thụ thể này sẽ tạo ra sự bài tiết chất dopamine, dẫn đến sự phóng thích các chất endorphine gống như xì ke. Các thụ thể nicotine có 2 đặc điểm:
- Sau khi bị kích thích sẽ bị trơ đi một thời gian, vì thế người hút chỉ thấy "đã" ở những điếu thuốc đầu ngày thôi
- Và số các thụ thể tăng ngày càng nhiều. Hiện tượng này là rất nghịch thường. Vì vậy người nghiện sẽ có nhu cầu hút thuốc ngày càng nhiều
Khi không có nicotine, các thụ thể nằm phơi ra đó sẽ tiếp nhận vô số các chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên khác có trong cơ thể, nên khi đó người nghiện cảm thấy bứt rứt, lo lắng, khó chịu, trì trệ... Chuyên môn gọi đó là những triệu chứng do cai thuốc. Người nghiện sẽ đi tìm thuốc lá để hút nhằm thoát khỏi những khó chịu kia đi. Như vậy người ta hút thuốc là để:
- Tìm những "khoái lạc" khi hút thuốc
- Và tránh những khó chịu do thiếu thuốc
Bên cạnh đó những sinh hoạt hàng ngày cũng tạo nên thói quen, thí dụ hút thuốc khi uống cà phê sáng, sau bữa ăn cho khỏi tanh miệng, khi gặp bạn bè, khi nhậu nhẹt tán dóc ... Những cái đó gọi là lệ thuộc hành vi.
Ngày nay người ta đã xếp nghiện thuốc lá là một bệnh tâm thần.
Để biết một người nào đó ghiền thuốc lá thiệt không, ghiền tới mức nào, trong y khoa người ta dùng một trắc nghiệm có tên là trắc nghiệm Fagerstrom. Các bạn có thể vô internet gõ "test de Fagerstrom" hoặc "Fagerstrom test" là có bảng câu hỏi này và trả lời theo tình trạng của mình. Nếu từ 7 điểm trở lên là ghiền nặng. Trong 6 câu hỏi đó, quan trọng nhất là 2 câu: thức dậy bao lâu thì phải hút điếu đầu tiên, và mỗi ngày hút bao nhiêu điếu? Càng hút sớm ngay sau khi thức dậy, và càng hút nhiều điếu trong ngày là mức ghiền càng cao.
Khi đi khám bệnh để tư vấn cai thuốc lá, người hút còn được đo nồng độ khí CO trong hơi thở ra. Nồng độ CO càng cao, chứng tỏ người hút càng nhiều.
Tuy nhiên chỉ cần trắc nghiệm Fagerstrom cũng ok rồi.
Tại sao không nên hút thuốc lá?
Tất cả những "lợi ích" mà ta dùng để biện hộ cho thói quen hút thốc chỉ là tạm thời và giả tạo. Hưng phấn tinh thần, làm việc trí óc cần suy nghĩ nhiều, cần thuốc lá để sáng tạo, vì ngoại giao, hoặc là hút chơi chơi .... Nhưng cái hại là chuyện có thiệt và là nghiêm trọng, không sửa chữa được. Hút thuốc chắn chắn bị bệnh, bị nhiều bệnh. Tim, gan, phèo, phổi đều có thể bị bệnh ráo trọi. Riêng về phổi thì câu chuyện như thế này. Sau nhiều năm hút thuốc, người hút thường khạc đàm, nhất là buổi sáng. Ho, khạc kinh niên như vậy chuyên môn gọi là Viêm phế quản mạn (kinh niên). Mấy người ghiền thuốc thường bị những đợt cảm cúm, ho đàm rất lâu hết, dù uống thuốc xịn cũng vậy. Rồi tới khi nào đó làm công chuyện thấy hụt hơi, lên cầu thang thấy mệt, … thì coi chừng là đã tới giai đoạn suy hô hấp, bị bệnh phổi tắc nghẽn rồi. Bệnh này tiếng Anh gọi là Chronic Obstructive Pulmonary Disease, viết tắt là COPD, tiếng Tây là BPCO. Đây là bệnh mà theo dự đoán của Global Obstructive Lung Disease Initiative thì vào năm 2020 thì sẽ được xếp vào hàng thứ 3 trong số những nguyên nhân gây tử vong trên toàn thế giới. Ước tính 5% dân số nước Pháp bị bệnh này, Mỹ cũng vậy, Việt Nam cũng xêm xêm. Nguyên nhân là hút thuốc lá. Người ta "quên" đi sự thật là ngành thuốc lá đã giết chết mỗi năm 60.000 người Pháp để đổi lấy khoảng chừng đó việc làm trong ngành công nghiệp này. Giờ đây mọi sự không còn giấu diếm được nữa, và người ta chuyển gánh nặng đó về các nước đang phát triển như Việt Nam của mình, tha hồ hút và nộp tiền cho họ. Còn nếu bữa nào thấy ho hoài, hoặc tự nhiên trong đàm có chút máu, hoặc người đột nhiên sụt ký, khám bệnh chụp hình thấy trong phổi có một cục, thì thôi, good bye! Mà nào phải chỉ có phổi không thôi đâu, bệnh tim, huyết áp cao, đứt gân máu, những loại ung thư bọng đái, thận, cổ họng … Ung thư phổi đứng hàng đầu trong xác suất tử vong do ung thư gây ra cho cả nam giới và phụ nữ, theo American Cancer Society, 2013. Những chứng bệnh này cũng do thuốc lá góp phần quan trọng. Chưa kể hút thuốc làm da rất xấu, răng bám nhựa đen thui (đi Nha sĩ đánh bóng không ra nổi), hơi thở rất hôi (cái này con gái không khoái đâu!), môi thâm đen vì ngộ độc khí CO. Vợ con, những người sống chung với mình hít khói thuốc do mình nhả ra cũng chịu chung hậu quả. Mấy em nhỏ quanh năm suốt tháng “thò lò mũi xanh’, ho hoài, đi kiếm Bác sĩ hoài thì chắc hắn nó đang sống chung với người hút thuốc. Lớn lên mấy em nhỏ đó sẽ dễ bị bệnh suyễn. Cái đó người ta gọi là hút thuốc thụ động. Có những cuộc nghiên cứu trên thế giới cho thấy là hút thuốc thụ động có tầm sức nguy hiễm tương đương hay là còn hơn chính mình hút thuốc nữa. Điều cần nhớ là hút thuốc lá chắc chắn bị bệnh do thuốc lá, còn bệnh gì và vào lúc nào là tùy người. Các bạn đừng nghĩ là "Trời kêu ai nấy dạ!". Kêu hết!
Làm sao bỏ thuốc lá bây giờ?
Đầu tiên là ta phải có quyết tâm bỏ thuốc lá. Tại sao thì như ta đã rõ, vì nghiện thuốc lá sẽ có hại cho mình, cho người thân và cho xã hội.
Để hỗ trợ quyết tâm cai thuốc lá, y khoa có những thứ thuốc để giúp ta tránh được những khó chịu tạm thời của việc cai thuốc và giúp hủy diệt trung tâm lệ thuộc nicotine trong não để chúng ta cai nghiện.
Theo kinh nghiệm đã thu thập được nhiều năm nay của chúng tôi, khi đã quyết định cai thuốc là ta cai ngay, triệt để. Đừng làm từ từ. Đừng nghĩ sẽ cai kiểu nay hút 1 gói thì mai giảm dần xuống 19, 18, 17, 16, ... điếu. Cần dứt khoát. Để hiệu quả hơn, các bạn có thể dùng biện pháp hỗ trợ gọi là thay thế nicotine. Thay vì đưa nicotine vào người bằng thuốc lá, ta sẽ dùng nicotine trong các miếng dán trên da để nicotine thấm từ từ đều đều vào máu, trong máu lúc nào cũng có một lượng nicotine vừa đủ để không bị khó chịu vì thiếu nicotine. Sau một thời gian khoảng 9-12 tuần, trung tâm lệ thuộc nicotine trong não sẽ bị tiêu hủy dần đi.
Bên Mỹ, các bạn ra siêu thị nào cũng có, Walmart, Cosco, ... cả dãy! Mua tự do khỏi cần toa. Đem về dán lên da, mỗi ngày 1 miếng, lớn nhỏ tùy theo mức lệ thuộc của mình.
Để coi mình cần dùng loại nào, các bạn lưu ý 2 chi tiết:
- Số mg nicotine ước tính cần dùng mỗi ngày.
- Miếng dán loại phóng thích 16 giờ hay 24 giờ. Loại 16 giờ là cho người chỉ hút ban ngày, đêm ngủ chứ không hút thuốc. Loại 24 giờ là cho các bạn đêm cũng thức dậy hút.
Các bạn thử tính coi nhu cầu nicotine của mình trung bình mỗi ngày khoảng bao nhiêu? Nói thí dụ mỗi ngày hút khoảng 1 gói, mỗi điếu chứa khoảng 1mg nicotine, như vậy nhu cầu sẽ khoảng 20 mg nicotine mỗi ngày. Vậy lúc đầu mình "chơi" miếng dán có hàm lượng khoảng gần giống vậy (20mg là miếng lớn, hoặc 15mg là miếng nhỏ cũng ok). Mỗi ngày sau khi thức dậy làm vệ sinh xong dán 1 miếng trên da ngực, da cánh tay, chỗ không có lông (lông nhiều qúa dán nó tróc), tới tối đi ngủ bóc ra. Nếu xài miếng 24 giờ thì chờ sáng hôm sau mới gỡ. Lố liều thì sẽ có cảm giác hồi hộp như hút quá nhiều thuốc lá, còn thiếu thì sẽ có cảm giác như khi thiếu thuốc lá. Dư thì mình dán miếng nhỏ hơn, thiếu thì dán miếng lớn hơn. An toàn, các bạn đừng lo.
Nhiều người muốn bỏ thuốc lá, có quyết tâm bỏ, nhưng vẫn có những lúc bị quyến rũ, thèm quá, phải có bửu bối nào để vượt qua chứ? Có! Mình phải thủ sẵn viên nicotine loại nhai (2 mg hoặc 4 mg), viên này như kẹo sơ guynh gum, để cấp cứu khi ghiền quá chịu không nổi. Khi đó bỏ viên kẹo vô miệng nhai vài cái, khi thấy có vị khác trong miệng là nicotine đã ra khỏi viên kẹo. Cứ để nó tự nhiên thấm vào máu. Sau đó đưa viên kẹo vô bên má chờ chút xíu rồi lại nhai tiếp mấy cái, đưa qua má bên kia. Nhớ là đừng nuốt nước miếng nhé, nuốt sẽ đau cổ họng và mắc ói. Chừng 10 phút sau nhổ bỏ. Nicotine thấm vào máu, chừng 2-3 phút sau tới não sẽ làm hết cơn ghiền (khác thuốc lá, khi ghiền kéo vô một hơi là thấy ép-phê liền). Sau 4-5 tuần lễ, có thể dùng miếng dán với hàm lượng thấp dần. Cứ thế chừng 12 tuần là được.
Hiện còn 2 thứ thuốc dùng để hỗ trợ chúng ta cai thuốc lá là bupropion và varénicline, nhưng phải có toa Bác sĩ mới mua được. Những thuốc này khi uống vào sẽ làm cho hết cảm giác khó chịu khi cai thuốc và hút không còn cảm giác "ngon lành" gì nữa. Tuy nhiên với quyết tâm cai thuốc lá và với nicotine mua ngoài chợ, tôi nghĩ anh em mình cũng có thể giải quyết câu chuyện được rồi. Cai thuốc lá là một quá trình có thể lâu dài, nếu có thất bại cũng đừng nản. Làm lại sẽ thành công!
Quên, các bạn đừng hút thuốc lá điện tử nhé. Vì lẽ với các điếu thuốc điện tử, nicotine được đẩy vào phổi bằng một hóa chất khác, kèm theo còn có những hương vị mà nhà bào chế cho vào tùy trường hợp. Những chất đó về lâu dài có gây bệnh gì cho phổi không thì chưa biết. Mặt khác, động tác ngậm hút điếu thuốc lá điện tử là phản tác dụng trong cai thuốc lá, vì lệ thuộc hành vi là một yếu tố gây nghiện. Vì vậy Y khoa đến giờ không khuyến cáo dùng thuốc lá điện tử.
Bỏ được rồi thì tránh đừng để hút lại. Hay gặp tình huống cả nể, bạn bè ép nhau hút, hoặc buồn tình gì đó lại nhớ tới cảm giác của điếu thuốc. Mấy lúc đó né đi.
Cai thuốc lá có gây ra rắc rối gì không? Chẳng có gì rắc rối cả. Một số bạn thuộc nhóm dễ xúc cảm có thể thấy lo lắng chút đỉnh. Có người ăn nhiều hơn nên dễ lên ký. Chỉ cần tiết thực lại và năng vận động cơ thể là được. Cái được đáng giá hơn nhiều: phòng tránh được bệnh phổi tắc nghẽn, ung thư phổi, hen suyễn nhẹ đi, dễ chữa hơn, da dẻ sáng đẹp, răng trắng, hơi thở thơm tho, chưa kể tiết kiệm được rất nhiều tiền từ tiền mua thuốc lá, tiền chữa bệnh do thuốc lá gây ra... Và mình có thể sống lâu hơn để tán láo với anh em nhiều hơn.
Chúc các anh em "giã từ thuốc lá" thành công, để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Có gì thắc mắc về chuyện này, chúng tôi xin thảo luận thêm với các bạn.
Bài viết gần đây
Trong tình hình bệnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp và có nhiều diễn biến khó đoán trước, câu hỏi đặt ra là có mối liên quan nào giữa hút thuốc lá và Covid-19 hay không?
Thuốc lá là một trong những vấn đề nhức nhối của mỗi gia đình và xã hội. Người hút thuốc lá luôn biện ra đủ lý do cho việc hút thuốc lá. Đó là 1 thói quen xấu
Khi đói thuốc gây ra: căng thẳng, bứt rứt, khó chịu, lo lắng.Thuốc Varenicline tác động vào yếu tố số 2: Khi đói thuốc gây ra. Nó làm giảm tất cả các triệu chứng khó chịu đó.