Tỉ lệ hen ở trẻ nhỏ cao gấp đôi tỉ lệ này ở người lớn (10% so với 4,3%). Hen có liên quan đến di truyền. Cha hoặc mẹ bị hen thì nguy cơ con bị hen là 25%
Hen suyễn trẻ em
HEN SUYỄN Ở TRẺ EM DƯỚI 5 TUỔI
ThS. BS. Ngô Nguyễn Hải Thanh
Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt
Hen hay hen phế quản/ hen suyễn là một trong các bệnh lí hô hấp khá thường gặp. Tỉ lệ hen ở trẻ nhỏ cao gấp đôi tỉ lệ này ở người lớn (10% so với 4,3%). Các bệnh nhân hen có đường thở bị viêm mạn tính (viêm thường xuyên), do đó đường thở của trẻ trở nên nhạy cảm và dễ bị co thắt quá mức khi tiếp xúc các yếu tố kích thích đường hô hấp như không khí lạnh, nhiễm siêu vi hô hấp, phấn hoa, mùi mạnh (nước hoa, xăng dầu), bụi, khói thuốc lá … hoặc sau vận động gắng sức, sau khi cười nhiều …
Hen có liên quan đến di truyền. Cha hoặc mẹ bị hen thì nguy cơ con bị hen là 25%, còn nếu cả cha lẫn mẹ đều bị hen thì nguy cơ của con sẽ là 50%. Bên cạnh đó, hen cũng liên quan đến cơ địa dị ứng, hen chiếm tỉ lệ cao ở trẻ có viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng hay chàm da/ chàm sữa/ lác sữa (ở trẻ nhỏ thường ở vùng da 2 bên má), dị ứng thức ăn.
Các triệu chứng của hen gồm có: ho, khò khè, khó thở và nặng ngực. Trong đó, khò khè là triệu chứng thường được cha mẹ chú ý và băn khoăn: “Liệu con tôi có bị hen hay không?”. Khò khè là âm thanh phát ra từ đường hô hấp dưới, trong lồng ngực. Cha mẹ có thể phát hiện khò khè khi áp sát tai vào ngực trẻ. Tuy nhiên, tình trạng viêm mũi rất thường gặp ở trẻ nhỏ làm nghẹt, tắc mũi cũng có thể tạo ra tiếng rít, nhiều cha mẹ nhầm lẫn với khò khè. Sau khi vệ sinh mũi với nước muối sinh lí, tiếng rít này sẽ mất đi, như vậy không được gọi là khò khè. Trong 5 năm đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ bắt đầu làm quen với môi trường xung quanh, nên trẻ rất dễ cảm lạnh, ho và khò khè, cha mẹ không nên quá lo lắng, 50% trẻ dưới 3 tuổi có ít nhất một lần khò khè và 60% trẻ này sau đó hoàn toàn khỏe mạnh. Cha mẹ nên chú ý khi trẻ có nhiều đợt ho, khò khè tái đi tái lại, nghĩa là từ 2 lần trong năm đối với trẻ lớn và từ 3 lần trong năm đối với trẻ dưới 24 tháng. Đặc biệt là những trẻ có các đợt ho, khò khè kéo dài trên 10 ngày và không dứt hẳn triệu chứng giữa các đợt, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám chuyên khoa hô hấp để được tư vấn và đánh giá kĩ hơn liệu trẻ có bị hen hay những bệnh lí khác đi kèm.
Đo hô hấp kí (Đo chức năng hô hấp) là phương pháp cơ bản nhất để chẩn đoán hen, không xâm lấn và nhẹ nhàng đối với trẻ, tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi trẻ phải hiểu và hợp tác với kĩ thuật viên cho nên thường chỉ sử dụng ở trẻ từ 4 đến 5 tuổi. Đối với trẻ nhỏ nghi ngờ bị hen vẫn có những phương pháp gián tiếp khác như: Đo nồng độ NO trong hơi thở ra (FeNO) hoặc đo kháng lực đường thở (F.O.T). Ngoài ra còn một số xét nghiệm khác góp phần tìm ra các yếu tố gây dị ứng (dị ứng nguyên) thường gặp đối với từng trẻ: tìm kháng thể đặc hiệu (IgE) và nghiệm pháp lẫy da.
“Nếu chẳng may con tôi bị hen thì sau này lớn lên có hết không?”. Cha mẹ cần nhớ 3 mốc tuổi, đó là lúc 3 tuổi, 6 tuổi và 11 tuổi. Những trẻ khò khè - thoáng qua, tức là khò khè chỉ xảy ra trong 3 năm đầu đời, những trẻ này thường hết khò khè hoàn toàn sau 3 tuổi và không bị hen về sau. Còn những trẻ vẫn tiếp tục khò khè sau 3 tuổi nhưng lại hết khò khè tại thời điểm 6 tuổi và trẻ cũng không có cơ địa dị ứng thì thường sẽ không phát triển hen lúc lớn. Đối với những trẻ khò khè dai dẳng từ nhỏ đến sau 11 tuổi và những trẻ này có cơ địa dị ứng (thông qua xét nghiệm tìm IgE đặc hiệu và nghiệm pháp lẫy da), thường sẽ đi kèm với hen sau này.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên lo lắng quá, nếu trẻ được theo dõi sát, tuân thủ điều trị thì trẻ vẫn sẽ phát triển và sinh hoạt bình thường như các trẻ khác. Thuốc điều trị hen chủ yếu là thuốc dạng hít, gồm 2 loại: một loại sử dụng hàng ngày để phòng cơn hen cấp tính và một loại chỉ dùng khi có cơn hen cấp tính. Việc sử dụng thuốc phòng ngừa hàng ngày là quan trọng vì một khi cơn hen cấp tính xảy ra sẽ khiến trẻ phải nhập viện hay thậm chí có thể gây tử vong. Mặt khác, việc sử dụng thuốc kéo dài luôn làm cho cha mẹ bận tâm: “Con tôi có bị tác dụng phụ của thuốc không?”. Hầu hết trẻ chỉ cần liều thấp để kiểm soát hiệu quả, do đó tác dụng phụ của thuốc không đáng lo ngại bằng việc trẻ không được phòng ngừa, dẫn đến nhập viện vì hen mất kiểm soát.
Song song với việc dùng thuốc thì các biện pháp không dùng thuốc cũng không kém phần quan trọng trong quá trình phòng ngừa cơn hen cấp. Cha mẹ cần giữ ấm cơ thể trẻ, tránh để nhiễm lạnh nhất là vào những tháng trời khô, lạnh, điều kiện thuận lợi cho nhiễm siêu vi hô hấp. Gian phòng của trẻ nên được thông thoáng thường xuyên, nhiệt độ phòng ở mức 180C và độ ẩm không quá 50%, có thể thay, giặt áo gối và ga giường một lần mỗi tuần bằng nước ấm khoảng 600C. Thú bông cũng có thể giặt bằng nước ấm, tuy nhiên tốt nhất là hạn chế tiếp xúc. Ngoài ra trẻ cũng cần tránh tiếp xúc với lông chó, mèo, khói thuốc lá, khi chọn mua một loại thuốc xịt phòng hoặc nhang trừ muỗi cha mẹ cũng nên cẩn thận. Về mặt ăn uống, trẻ không nhất thiết phải kiêng cử hoàn toàn các loại sữa, hải sản như tôm, cua, cá … Trẻ chỉ cần kiêng cử loại thức ăn gây dị ứng đối với trẻ. Việc kiêng khem quá mức sẽ làm trẻ thiếu dưỡng chất và phát triển không toàn diện.
Cha mẹ nào còn bất cứ trăn trở gì về hen (hen phế quản/ hen suyễn), đừng ngần ngại chia sẻ với chúng tôi, chúng tôi luôn luôn tôn trọng và lắng nghe!
Hen là bệnh lí hô hấp mạn tính thường gặp, hen hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Bài viết gần đây
Điều trị hen suyễn theo cá thể là hướng điều trị vẫn dựa trên các hướng dẫn chuẩn, tuy nhiên được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá thể ( tình trạng bệnh, khả năng dùng thuốc..)
Các dấu hiệu nhận biết hen suyễn ở trẻ em bao gồm: ho, khò khè, thở nhanh hay nông, tức ngực. Các triệu chứng này có thể sẽ nặng hơn vào ban đêm gần sáng, lúc trời lạnh
Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng viêm đường hô hấp bằng cách đo khí Nitric Oxide trong hơi thở ra (FeNO), giúp chẩn đoán và theo dõi chính xác tình trạng hen suyễn của bệnh nhân