Hen suyễn có chữa hết được không? Hen suyễn có lây không?Gia đình không có ai bi hen sao tôi lại bị .. là những câu hỏi thường thấy ở các bệnh nhân hen suyễn
Bệnh nhân hen suyễn và các câu hỏi thường gặp
BỆNH NHÂN HEN SUYỄN VÀ CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
ThS.BS. Nguyễn Hữu Hoàng
Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt
Hen suyễn là một bệnh mạn tính. Biểu hiện bằng tình trạng viêm và co thắt đường thở mạn tính có hồi phục. Triệu chứng chính là ho, khò khè, khó thở, nặng ngực… tùy vào tình trạng khác nhau mà bệnh nhân thường có cơn suyễn nhẹ, trung bình hoặc nặng khác nhau. Bên dưới là các câu hỏi chúng tôi thường gặp khi khám và điều trị cho các bệnh nhân hen suyễn tại Phổi Việt:
1. HEN SUYỄN CÓ CHỮA KHỎI HẲN ĐƯỢC KHÔNG?
Hen suyễn là một bệnh liên quan đến dị ứng và yếu tố di truyền gia đình. Nếu gia đình có người bị hen suyễn hoặc các bệnh dị ứng khác (chàm da, mề đay, viêm mũi dị ứng,…) thì thế hệ sau có thể sẽ bị hen suyễn. Cho tới thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có thuốc hay phương pháp nào chữa lành hoàn toàn bệnh hen suyễn nhưng chúng ta có thể kiểm soát hen suyễn. Thế nào là kiểm soát? Kiểm soát được chia làm 3 mức độ:
- Hen suyễn kiểm soát hoàn toàn
- Hen suyễn kiểm soát một phần
- Hen suyễn không kiểm soát
Mục tiêu điều trị nhắm tới là điều trị hen suyễn kiểm soát hoàn toàn càng lâu càng tốt. Để đạt được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ, bệnh nhân và những người xung quanh. Nếu làm được điều này thì bệnh nhân hen suyễn vẫn có cuộc sống tốt và hòa nhập hoàn toàn với cuộc sống như một người bình thường.
-
Về phía bác sỹ:
- Chẩn đoán đúng và cụ thể
- Điều trị thuốc hợp lý
- Giải thích, hướng dẫn rõ ràng cách dùng thuốc, thời gian điều trị, các vấn đề phòng ngừa cảm cúm, gió lạnh,…
-
Về phía bệnh nhân:
- Tuân thủ điều trị của bác sỹ.
- Thực hiện đúng hướng dẫn của bác sỹ cần thiết thì trao đổi với bác sỹ về vấn đề điều trị của mình…
- Những người xung quanh, điều này đặc biệt quan trọng với nhóm trẻ <18 tuổi và người già, vì việc điều trị của nhóm bệnh nhân này phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của người xung quanh. Những người xung quanh nên theo dõi, hỗ trợ việc điều trị cho nhóm bệnh nhân này, cần trao đổi với bác sỹ về những thay đổi cũng như thuận lợi, khó khăn của việc điều trị.
2. THẾ NÀO LÀ KIỂM SOÁT HEN? CÁC MỨC ĐỘ KIỂM SOÁT KHÁC NHAU THẾ NÀO?
Kiểm soát hen được đánh giá 3 mức độ: Không kiểm soát – Kiểm soát 1 phần – Kiểm soát hoàn toàn. Bệnh nhân hen suyễn cần trả lời 4 câu hỏi sau:
Triệu chứng hen ban ngày hơn 2 lần/tuần? |
Có |
Không |
Thức giấc về đêm do hen? |
Có |
Không |
Cần thuốc cắt cơn hơn 2 lần/tuần? |
Có |
Không |
Có hạn chế hoạt động do hen? |
Có |
Không |
- Kiểm soát hoàn toàn: Không cả 4 câu
- Kiểm soát 1 phần: Có 1-2 câu
- Không kiểm soát: Có 3-4 câu
3. CÓ GIẢM LIỀU HOẶC NGƯNG THUỐC KHI HEN ĐÃ ĐƯỢC KIỂM SOÁT?
Điều này hoàn toàn có thể làm được nếu bệnh nhân kiểm soát hen hoàn toàn. Thời gian điều trị có thể từ 4 tháng đến 6 tháng hoặc hơn 1 năm tùy vào đáp ứng của từng bệnh nhân. Chỉ giảm liều và ngưng thuốc ở nhóm kiểm soát hen suyễn hoàn toàn. Có các tình huống sau:
- Hô hấp ký bình thường (không còn tắc nghẽn đường thở + không đáp ứng với thuốc giãn phế quản) + thời gian điều trị tấn công đủ dài (2 tháng đến 5 tháng tùy đánh giá của bác sỹ điều trị): giảm liều xuống ½ kéo dài một khoảng thời gian nữa (2 tháng đến 5 tháng) rồi giảm xuống liều thấp nhất mà bệnh nhân vẫn kiểm soát hoàn toàn thì cắt thuốc.
- Hô hấp ký bình thường + thời gian tấn công đủ dài + NO trong hơi thở ra (đánh giá mức độ viêm đường thở) trở về bình thường (<20ppb với trẻ em và <25ppb với người lớn) thì giảm liều từ từ tới liều thấp nhất và cắt thuốc.
Việc giảm liều phải được bác sỹ điều trị đánh giá và theo dõi kỹ, nếu có vấn đề khi giảm liều thì phải tăng liều lên lại và tiếp tục theo dõi. Bệnh nhân không nên tự giảm liều thuốc và ngưng thuốc khi bác sỹ chưa yêu cầu.
Bài viết gần đây
Điều trị hen suyễn theo cá thể là hướng điều trị vẫn dựa trên các hướng dẫn chuẩn, tuy nhiên được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá thể ( tình trạng bệnh, khả năng dùng thuốc..)
Các dấu hiệu nhận biết hen suyễn ở trẻ em bao gồm: ho, khò khè, thở nhanh hay nông, tức ngực. Các triệu chứng này có thể sẽ nặng hơn vào ban đêm gần sáng, lúc trời lạnh
Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng viêm đường hô hấp bằng cách đo khí Nitric Oxide trong hơi thở ra (FeNO), giúp chẩn đoán và theo dõi chính xác tình trạng hen suyễn của bệnh nhân